Đầu năm 2024, huyện Đăk Tô (Kon Tum) còn 1.527 hộ nghèo, chiếm 11,83% tổng số hộ dân toàn huyện; đại đa số hộ nghèo là thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ cận nghèo giảm còn 778 hộ (6,03%).

Giai đoạn 2022-2025, huyện Ðăk Tô được Trung ương phân bổ hơn 21,8 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; trong đó, năm 2024 là gần 10,3 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện huy động các nguồn lực khác như nguồn vốn cho vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo 14,5 tỷ đồng; Quỹ Vì người nghèo huyện 2,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Gia đình chị Y Nhu (thôn Tê Pên, xã Đăk Trăm) thuộc diện hộ nghèo. Từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ sinh kế cho người nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gia đình chị được hỗ trợ 1 cặp bò sinh sản để chăn nuôi, tạo điều kiện cho gia đình có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Cặp bò là tài sản quý, gia đình chị Y Nhu rất chăm chút sinh kế này. Đến nay, bò đã đẻ được 1 con bê. Ngoài ra, vợ chồng chị còn làm 2,5 sào cà phê, 2 sào ruộng lúa nước. Căn nhà đang ở tạm bợ, thiếu kiên cố, năm 2024, chị phấn khởi khi được Quỹ Vì người nghèo của huyện Đắk Tô hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở. Gia đình này chia sẻ phấn đấu thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2025.

Lãnh đạo Phòng LĐ - TB & XH huyện Đăk Tô cho biết thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sửa chữa và xây mới nhà ở. Song song với đó, huyện thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội về giáo dục, y tế, văn hóa, nước sạch, bảo trợ xã hội.

Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế và tiếp cận các dịch vụ cơ bản để từng bước giảm nghèo đa chiều, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Đăk Tô tập trung chỉ đạo các ban, ngành và các xã, thị trấn lựa chọn đối tượng, lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương.

Huyện đã triển khai thực hiện 7 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca trồng tập trung trên diện tích 149ha, hỗ trợ 41.220 cây giống cho 181 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng; Thực hiện 11 dự án hỗ trợ sinh kế với 67 cặp bò sinh sản, vật tư xây dựng chuồng trại cho 40 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.

Hơn 900 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình. Tổng nguồn vốn cho vay là hơn 26,7 tỷ đồng.

W-cho la khe 11.jpg
Huyện Đăk Tô đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo về sinh kế, nhà ở, việc làm...

Song song với các giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực, huyện cũng chú trọng các hình thức tuyên truyền, vận động, tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân chung tay giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động vượt khó, vươn lên của người nghèo.

Thôn 5, xã Diên Bình được xem là điểm sáng trong công tác giảm nghèo tại huyện Đăk Tô. Thôn có 403 hộ, 90% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Riêng trong năm 2023, thôn có 40 hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. 

Gia đình anh A Vớt là một trong số đó. Điều kiện nghèo khó khiến gia đình anh không thể tự lo cho mình căn nhà kiên cố. Hiểu hoàn cảnh gia đình, chính quyền hỗ trợ gia đình anh, cùng với số tiền ky cóp bao năm, giúp các thành viên trong nhà được sống trong mái ấm vững chãi. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ gia đình 150 cây mắc ca, 1.000 cây dứa trồng với diện tích 3 sào. Gia đình trồng thêm 3 sào cà phê, 5 sào sắn.

Dần dần, khi thấy thu nhập tạm ổn định nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và nỗ lực của gia đình, vợ chồng bàn với nhau và tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. "Vợ chồng còn trẻ, còn có sức khoẻ, còn lao động được với sự hỗ trợ của Nhà nước, nghèo mãi cũng thấy xấu hổ", anh Vớt tâm sự.

Bà Y H’Xuân, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, cho biết Chi bộ đã phân công cho các đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và phối hợp với già làng, người có uy tín, các đoàn thể thôn trường xuyên tuyên truyền, vận động để giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Tô đã giảm xuống còn 6,73% năm 2024. Tới đây, huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ gắn với tiêu chí đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường.