Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi trực tuyến “Học sinh với an toàn thông tin” năm 2023.

Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho biết, đây là năm thứ hai cuộc thi được tổ chức với mục tiêu xuyên suốt là tạo điều kiện cho các em học sinh trung học cơ sở toàn quốc có thêm kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ khỏi những nguy cơ mất an toàn khi học tập, vui chơi, tương tác trên môi trường mạng Internet.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn khẳng định rằng, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, cạm bẫy trên Internet và kiến tạo cho các em một môi trường mạng an toàn, lành mạnh là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta, của toàn xã hội”.

Việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Internet đang đi vào mọi mặt đời sống xã hội, nhiều trẻ em có cơ hội tiếp cận và sử dụng Internet hàng ngày.

Bên cạnh những lợi ích có được từ việc tiếp cận Internet, môi trường này cũng đưa đến nhiều mối nguy hiểm cho trẻ em, từ việc tiếp cận tới thông tin tiêu cực, độc hại dẫn tới nguy cơ bị bắt nạt, lừa đảo, thậm chí bị xâm hại, gây nguy hiểm tới tính mạng. Điều đó cho thấy, việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng là rất quan trọng. Trong việc xây dựng “năng lực số”, một năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại hiện nay thì an toàn thông tin luôn là một trụ cột quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Tuân đánh giá, cuộc thi không chỉ tuyên truyền mà còn góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh và phụ huynh. Cuộc thi là hoạt động thiết thực triển khai “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 1/6/2021.

“Cục An toàn thông tin mong rằng, không chỉ cuộc thi này mà các hoạt động khác về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa, vì bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là góp phần xây dựng, vun đắp tương lai của đất nước và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, của toàn xã hội”, ông Nguyễn Đức Tuân bày tỏ.

Theo Ban Tổ chức, sau 3 tuần thi chính thức đã thu hút 740.250 học sinh của 5.417 trường trung học cơ sở trên cả nước. Kết quả top 100 thí sinh xét trên điểm số và thời gian thi được phân bố ở 41/63 địa phương. Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao giải cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Toạ đàm “Bảo vệ dữ liệu trẻ em và phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng: Từ chính sách, nhận thức đến công nghệ” và triển lãm trưng bày thông tin, tài liệu về bảo vệ trẻ em trên mạng.

Dưới sự chủ trì của lãnh đạo VNISA và tham dự của đại diện các đơn vị như Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Childfund, WoldVision… các vấn đề được đàm luận nhằm phản ánh thực trạng vấn đề bảo vệ dữ liệu trẻ em và phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng tại Việt Nam (về chính sách và thực tế), những kết quả và bất cập; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, phụ huynh; đề xuất, kiến nghị về các giải pháp trong thời gian tới….

Thanh Tuấn và nhóm PV, BTV