Cuối tháng 8, UBND xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) bàn giao 13 con trâu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn ấp Thạnh An II. Đây là những hộ dân có nhu cầu tham gia thực hiện mô hình “Nuôi trâu sinh sản”. Mỗi hộ gia đình được nhận 1 con trâu đã mang thai từ 5 đến 9 tháng tuổi. 

Đây là hoạt động xã thực hiện Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) và tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Mỗi con trâu giống trị giá 24 triệu đồng, đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Các hộ được chọn con giống theo nhu cầu của gia đình. Sau khi nhận trâu, các hộ còn được hỗ trợ vật tư phục vụ chăn nuôi, được cán bộ chuyên môn tập huấn về cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, xử lý một số bệnh thường gặp ở trâu. Tổng kinh phí thực hiện mô hình tại xã Thạnh Đông A là 312 triệu đồng. 

W-Tây Ninh 4.jpg
Đời sống nhân dân ở Kiên Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày được nâng cao.

Hỗ trợ sinh kế, đồng hành cùng các hộ nghèo thêm cơ hội trong phát triển sản xuất là cách làm mang giá trị thực tiễn, tác động trực tiếp, căn cơ, làm thay đổi đời sống của hộ nghèo. Tại Kiên Giang, các chính sách hỗ trợ người nghèo phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên.

Chị Thị Thanh, ở xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao) trước đây thuộc diện hộ cận nghèo. Nhờ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ con giống, gia đình có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, thoát cận nghèo.

Tháng 7 vừa qua, UBND xã Thủy Liễu nơi chị Thanh sinh sống phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức bàn giao 16 con trâu sinh sản, vật tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 cho 16 hộ dân. Ngoài con giống trị giá 374 triệu đồng, huyện còn bàn giao máy phun thuốc trừ sâu cho 8 hộ gia đình, trị giá 40 triệu đồng; vỏ composite máy, lưới đánh bắt cá cho 7 hộ gia đình, trị giá 85 triệu đồng. Tổng trị giá của dự án gần 500 triệu đồng.

Đây là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm trước; trong đó tập trung những hộ có lao động, mô hình sản xuất hộ gia đình, chí thú làm ăn có khả năng thoát nghèo khi được hỗ trợ nguồn vốn.

Mô hình cung cấp con giống hỗ trợ cho bà con có thời gian là 3 năm (36 tháng); sau 3 năm các hộ sẽ hoàn lại 30% nguồn vốn nhận được để xã, huyện giải quyết hỗ trợ cho hộ khác trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Danh Thuyền, ở ấp Thạnh Hòa 1, xã Thủy Liễu, là một trong các hộ gia đình nhận con giống, vật tư. Xúc động gửi lời cảm ơn tới các cấp chính quyền đã hỗ trợ con giống, vật tư giúp phát triển kinh tế gia đình, ông cũng hứa sẽ làm chuồng trại, chăm sóc tốt để trâu sớm sinh sản, góp phần tăng thu nhập cho gia đình ông trong thời gian tới.

Hiệu quả rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện

Thông tin tại cuộc họp thông qua báo cáo giám sát chuyên đề thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức ngày 9/10 cho thấy, việc triển khai thực chương trình giúp tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần theo từng năm.

Theo đó, kết quả rà soát hộ nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều cho thấy, đầu năm 2022, tỉnh còn 11.868 hộ nghèo (tỷ lệ 2,57%), trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 3.314 hộ, tỷ lệ 4,73%. Đến đầu năm 2004, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 5.990 hộ, tỷ lệ 1,28%; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 1.679 hộ, tỷ lệ 2,4%. Ước kết quả rà soát năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Kiên Giang giảm còn 1,08%.

Giai đoạn 2022-2024, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 238,3 tỷ đồng. Đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025, ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết qua gần 4 năm thực hiện chương trình, đến nay tỉnh hoàn thành mục tiêu đạt 100% so với kế hoạch giai đoạn 5 năm.

Trong đó, mục tiêu chung tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều duy trì dưới 2%, mục tiêu cụ thể hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân hộ nghèo đạt trên 1,7 triệu đồng/tháng. 

Kiên Giang định hướng đến năm 2030 tỉnh phấn đấu duy trì tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, hoàn thành thực hiện kế hoạch vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như chính sách phát triển sản xuất, tín dụng ưu đãi, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, việc làm...