Chuyển đổi số trong cải cách hành chính là một trong những nội dung quan trọng của công tác cải cách hành chính của tỉnh Hoà Bình, sẽ tạo được tính đột phá, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Hoà bình đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trang thiết bị đầy đủ phục vụ cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính ở huyện Lạc Sơn.

Tại huyện Lạc Sơn, bằng việc dành khoản ngân sách hơn 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng mô hình Một cửa điện tử, Lạc Sơn đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được trang bị hệ thống tra cứu thông tin thủ tục hành chính đa điểm, tích hợp quét kiểm tra thông tin thủ tục hành chính; hệ thống camera giám sát; phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công; máy tính, máy scan được kết nối đồng bộ trong hệ thống dùng chung thống nhất từ huyện đến xã, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện thời gian qua. 

Bên cạnh đó, UBND huyện Lạc Sơn đã chỉ đạo triển khai phần mềm "Phòng họp không giấy" tại các phòng, ban, thành viên UBND huyện… Theo đó, toàn bộ quy trình của phòng họp không giấy được thực hiện thông qua hệ thống văn bản điện tử. Vì vậy, trước mỗi cuộc họp, nội dung chương trình và tài liệu được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và cập nhật lên hệ thống để các thành viên tham dự họp nghiên cứu trước. Người họp nhận tài liệu (bản file) thông qua các thiết bị thông minh như máy tính, iPad, smartphone..., thay vì sử dụng nhiều văn bản cồng kềnh như trước đây.

Một trong những ứng dụng được UBND huyện Lạc Sơn đưa vào sử dụng là thẻ cán bộ, công chức, viên chức điện tử với hình thức chấm công bằng vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt. Mỗi người phải thực hiện điểm danh 2 lần/buổi, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần vào đầu giờ và hết giờ làm việc.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Lạc Thuỷ cho biết, hiện nay, 100% xã, thị trấn trong toàn huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân. 

Để chuyển đổi số thành công, làm thay đổi nhận thức, phương thức tiếp cận từ giao dịch hành chính trực tiếp, truyền thống như trước sang phương thức giao dịch hành chính mới trên môi trường điện tử, trực tuyến, huyện đã chỉ đạo thành lập 113 tổ công nghệ số cộng đồng, gồm 1 tổ cấp huyện và 112 tổ cấp xã. 

Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch hành chính trên môi trường điện tử khi có nhu cầu. Nhờ vậy, bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc chuyển đổi tư duy tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, huyện Lạc Sơn cũng tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị. 

100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã được trang bị máy tính. 100% máy tính được kết nối, sử dụng mạng nội bộ (LAN) và Internet trong giải quyết công việc. 100% cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND xã, thị trấn sử dụng chữ ký số. 

Phòng họp trực tuyến từ cấp huyện, cấp xã được đầu tư đủ điều kiện phục vụ các cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh và Trung ương. 10/10 xã, thị trấn có trang thông tin điện tử tổng hợp. 100% xã, thị trấn được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, huyện được đầu tư, đưa vào triển khai thực hiện mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Nhiều đơn vị khác trong tỉnh Hòa Bình như huyện Kim Bôi, huyện Mai Châu, TP Hòa Bình… đã và đang triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính.

Tại huyện Lương Sơn, Cổng thông tin điện tử cấp huyện đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng áp dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, họp trực tuyến cấp huyện, cấp xã. Chương trình "Phòng họp không giấy" được triển khai ở tất các đơn vị. Hệ thống thư điện tử được triển khai thay thế việc sử dụng văn bản giấy truyền thống.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) xác định, cải cách hành chính là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, hướng đến xây dựng hệ thống chính trị minh bạch, năng động, luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm cải thiện tối thiểu 3 bậc để lọt vào Top 30 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh chỉ đạo rà soát, ban hành Bộ chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã. Tổ chức điều tra xác định chỉ số cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đáp ứng sự mong đợi và hài lòng từ người dân.

Điểm tra cứu thông tin thủ tục hành chính huyện Lạc Sơn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện. Từ đó, giúp các tổ chức, cá nhân có môi trường thân thiện, thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí tối đa nhất khi thực hiện giải quyết cải cách hành chính tại các cơ quan nhà nước.

Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đơn giản hóa cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng bộ máy dịch vụ công. Nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; chú trọng rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm 30% thời gian giải quyết các cải cách hành chính…

Từ năm 2016 - 2022, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Hòa Bình luôn tăng về điểm số và năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến năm 2022, tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021.

Theo phân tích chi tiết Chỉ số cải cách hành chính, công tác chỉ đạo, điều hành đạt 89,23%, tăng 1,33% so với năm 2021. Đối với cải cách thủ tục hành chính, đạt 94,08%. Các cơ quan chức năng thực hiện công khai, cập nhật thủ tục hành chính trên các trang thông tin điện tử, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Cải cách tổ chức bộ máy, đạt 92,45%; tăng 15,84% so với năm 2021. Cải cách chế độ công đánh giá một số tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội đạt 82,46%, tăng 15,86%…

Trên cơ sở kết quả đạt được và duy trì, cải thiện Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 cũng như các năm tiếp theo, tỉnh Hoà Bình tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác cải cách hành chính.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng để kịp thời hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến. 

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, đề xuất, tham mưu các sáng kiến, mô hình, giải pháp có tính mới, tính hiệu quả nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức….

Mạnh Hưng và nhóm PV, BTV