Thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục

Tỉnh ủy Hoà Bình quán triệt tinh thần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, là nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.

Với tinh thần đó, thời gian qua, nhiệm vụ cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực cải cách, trọng tâm là: Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tăng cường tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự đảm bảo chi thường xuyên. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Phấn đấu chỉ số cách hành chính của tỉnh đạt ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hoà Bình hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch. Ảnh: H.Thuý.

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh ban hành một số văn bản quan trọng chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh. Chỉ đạo triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về cải cách hành chính bằng nhiều hình thức như: mở các lớp tập huấn, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị, địa phương…

Ngoài ra, UBND tỉnh còn tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu công tác cải cách hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh; chỉ đạo các địa phương tổ chức các cuộc thi, hội thi tại cơ sở. 

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, công vụ; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong năm 2022, đã thực hiện kiểm tra cải cách hành chính tại 8 sở, 5 huyện. Qua kiểm tra kịp thời kiến nghị các cơ quan, đơn vị khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

UBND tỉnh tổ chức 15 cuộc đối thoại của lãnh đạo với người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Hoạt động kiểm soát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được triển khai…

Công tác chuyển đổi số trong cải cách hành chính cũng được tỉnh thực hiện nghiêm túc, bài bản. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch.

Chỉ số cải cách hành chính luôn tăng về điểm số

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Hoà Bình, nhìn tổng thể về chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2022 cho thấy, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh luôn tăng về điểm số, trong 7 năm đã tăng 14,18%. 

Đặc biệt, năm 2022 là năm tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021; tăng 30 bậc so với năm 2020. Các tiêu chí, lĩnh vực chưa đạt hoặc đạt được ở mức thấp trong cải cách hành chính năm 2021 tiếp tục được cải thiện trong năm 2022. Nhiều lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể về chỉ số, đó là công tác chỉ đạo, điều hành cải cách tổ chức bộ máy; các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 10 huyện, thành phố và 151/151 đơn vị cấp xã. Từ đó, góp phần tích cực vào việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh. 

100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. 

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai tại 63 điểm; mạng WAN tỉnh được triển khai, kết nối tại 33 điểm trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng. 

Ngoài ra, một số sở, ngành như Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh có Trung tâm dữ liệu nhỏ có từ 3 - 10 máy chủ để cài đặt các phầm mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Về thực hiện trao đổi văn bản điện tử, 100% sở, ngành đã kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản điều hành với UBND tỉnh; 100% UBND cấp huyện kết nối, liên thông với UBND tỉnh; 100% UBND cấp xã kết nối, liên thông với UBND huyện. 100% sở, ban, ngành tỉnh, 90% UBND cấp huyện, 80% UBND cấp xã sử dụng văn bản điện tử. 100% các sở, ngành, đơn vị cấp huyện, xã đã kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung của tỉnh.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Ngoài ra đảm bảo kết nối, liên thông các phần mềm ứng dụng dùng chung, các phần mềm chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, chia sẻ, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với tên miền "http://dichvucong.hoabinh.gov.vn” hiện đang cung cấp 1.623 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (621 dịch vụ công mức 3 và 1.002 dịch vụ công mức 4) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đã thực hiện tích hợp, đăng nhập một lần, đồng bộ hồ sơ thủ tục hành chính, đồng bộ trạng thái, thống kê tình hình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia thông qua máy chủ bảo mật được cài đặt, quản lý tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.

Trong quý I/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 88.424 hồ sơ cải cách hành chính (tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính công ích 4.453 hồ sơ, tiếp nhận trực tuyến 72.901 hồ sơ, từ kỳ trước chuyển sang 11.070 hồ sơ); đã giải quyết 78.517 hồ sơ (trước hạn 59.192 hồ sơ, đúng hạn 19.139 hồ sơ, quá hạn 186 hồ sơ); đang giải quyết 9.907 hồ sơ (trong hạn 9.888 hồ sơ, quá hạn 19 hồ sơ)...

Trong những tháng tiếp theo năm 2023, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm như: 

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách hành chính, phấn đấu đạt mục tiêu chỉ số cải cách hành chính của tỉnh được xếp hạng ở mức bình quân chung so với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, thương mại, du lịch; nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng đầu tư vào tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 11/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2023.

Quan tâm phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng thu hút, huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Tổ chức triển khai công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát cải cách hành chính. Xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện kịp thời, có hiệu quả các quy định của Trung ương, của tỉnh về cải cách cải cách hành chính, kiểm soát cải cách hành chính và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết cải cách hành chính. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu triển khai và thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương; hoàn thiện các chế độ, định mức phân bổ, định mức chi tiêu. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách. Ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách ở các cấp…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ và chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, làm căn cứ cho việc xét khen thưởng và đánh giá, phân loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị…

Thuý An