Liên quan đến hòa đàm Paris, những ngày cuối của nhiệm kì Tổng thống, Johnson xoay đổi hướng giữa hiếu chiến và kiềm chế, phản ánh những chia rẽ trong các cố vấn chính sách của ông và cả nước Mỹ.
>> Hòa đàm Paris và 'kẻ xúi bẩy' đằng sau Johnson
>> Hòa đàm Paris 1968: Trò chơi hai cấp độ?
>> Hòa đàm Paris: Mỹ xếp Việt Nam Cộng hòa ở đâu?
Các cuộc đàm phán không chính thức với đoàn đại biểu Bắc Việt Nam bắt đầu ở Paris ngày 10/5. Tóm tắt của Harriman là tương đối thẳng thắn: Ông sẽ thiết lập liên hệ với các đại diện Bắc Việt Nam, thuyết phục họ cùng bắt tay xuống thang chiến tranh, và nhất trí ủng hộ các cuộc bầu cử tự do ở Nam Việt Nam, trong đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam sẽ hạ vũ khí và tham gia bầu cử như một chính đảng hòa bình. Harriman tuyên bố trong lúc ông rời khỏi Washington rằng "Chúng tôi sẽ tham gia trong tinh thần ngay thật và thiện chí. Nếu tinh thần đó phù hợp với phía bên kia, tiến bộ có thể được tạo ra hướng tới mục đích của chúng ta là một thỏa thuận hòa bình." Tuy nhiên, Rostow không mất nhiều thời gian để phát hiện ra các vấn đề và một lần nữa biện luận thiên về một sự leo thang quân sự nhanh chóng nhằm cản trở nhà đàm phán trưởng của Mỹ. Làm như thế, Rostow va chạm với Harriman và Clark Cliford. Về sự phản đối của Bộ trưởng Quốc phòng đối với các kế hoạch ném thêm bom, Rostow viết: "Những gì phân tích của Clark không đề cập đến là những gì chính sách mà chúng ta nên theo đuổi nếu không có đột phá trong các cuộc đàm phán ở Paris và nếu họ tiếp tục "đọc danh bạ điện thoại" cho chúng ta nghe mỗi khi chúng ta gặp nhau. Tôi không tin chúng ta có thể ngồi vô hạn định trong những hoàn cảnh như vậy". Nếu phe Dân chủ chọn Thượng nghị sĩ New York Robert Kennedy tại Đại hội toàn quốc của đảng ở Chicago hay không và nếu người dân Mỹ có bầu ông vào tháng 11, Rostow sợ rằng Bắc Việt Nam đơn giản là chần chừ cho đến khi Tổng thống Kennedy đưa ra một giải pháp thiện chí hơn. Để ngăn chặn điều này xảy ra, Rostow đề nghị Tổng thống đánh phá "các cảng biển Bắc Việt Nam và/hoặc cử một số quân của chúng ta bắc tiến qua DMZ". Xâm lược Việt Nam, Rostow lập luận, sẽ tạo cho Tổng thống Robert F. Kennedy một triển vọng không chắc thành công.
Kissinger bắt tay các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ tại Hòa đàm Paris. Ảnh tư liệu
Thất vọng trước sự hiếu chiến của Rostow, Harriman viết ngày 4/6 rằng "sẽ là một sai lầm lớn khi dọa đánh bom các khu đô thị ở Bắc Việt Nam một khi họ tiếp tục tiến công vào Sài Gòn [. . .] Đánh bom Hà Nội hoặc Hải Phòng trong những hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi tin, sẽ khiến Hà Nội đoạn tuyệt với hòa đàm và có những phản ứng bất lợi khác".
Phản hồi trước những lo ngại của Harriman, Rostow gửi một lá thư bi quan tới tổng thống. "Tôi miễn cưỡng đi đến kết luận", Rostow cảnh báo, "Rằng nếu chúng ta tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán ở Paris, chúng ta sẽ phải đón nhận nguy cơ giải tán chúng [. . .] Tôi tin rằng họ đang cười vào mặt chúng ta và coi chúng ta như những gã khờ trên mặt trận quân sự - ngoại giao".
Rostow khuyên Tổng thống rằng ông hãy "yêu cầu Averell bảo Bắc Việt Nam rằng chúng tôi sẽ phải đáp trả cho mỗi quả tên lửa vào Sài Gòn bằng ít nhất một quả bom nhằm vào Hà Nội". Rostow đồng tình với "quan điểm của Clark Clifford rằng điều này có thể là một đòn giáng chí tử vào vị thế chính trị của Phó Tổng thống".
Tuy nhiên, "Clark đã sai lầm khi tin rằng chúng ta - hoặc Phó Tổng thống - có thể tiếp tục sống chung với vị thế phi nhân cách và nhục nhã khi mà [. . .] họ từ chối đàm phán nghiêm túc ở Paris."
Quan ngại trước sự thiếu nền tảng của Bộ trưởng Quốc phòng, Rostow thậm chí đã cố tách Lầu Năm Góc khỏi vành đai thông tin, từ chối chuyển các báo cáo từ hòa đàm Paris cho Cliford. Thư ký của Bộ Ngoại giao Benjamin Read đã rất choáng với sự khiếm nhã thô thiển này và đã lập ra một "dịch vụ sứ giả tư nhân" nhằm phá vỡ sự cấm vận thông tin của Rostow.
Có một chút băn khoăn là Harriman, đồng minh thân cận nhất của Clifford, lại chịu mô tả Walt Rostow như một "Rasputin" của Mỹ vì những ảnh hưởng vô vị mà ông này chèn vào việc ra quyết định của Tổng thống.
Các triển vọng về một sự đột phá ngày càng hứa hẹn về phía Bắc Việt Nam và ngày 4/6, Thủ tướng Liên xô Alexei Kosygin viết cho tổng thống nói rằng "Tôi và các cộng sự của tôi tin tưởng" rằng Bắc Việt Nam sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận, miễn là Mỹ dừng chiến dịch ném bom."
Là một chuyên gia có tiếng về USSR, Harriman không hiểu "một lãnh đạo Xô Viết lại đưa ra một lập trường trực tiếp như thế". Hài lòng với triển vọng về một sự đột phá như vậy, Clifford cùng ông kêu gọi một sự ngừng ném bom. Một Dean Rusk vốn kín đáo ít nói nhưng tỏ rõ sự ủng hộ đối với một phản ứng tích cực trước yêu cầu của Kossygin. Mỹ có thể luôn nối lại chiến dịch ném bom nếu như không có gì tiến triển.
Tuy nhiên, trong một cuộc gặp với Tổng thống ngày tiếp sau đó, Rusk thay đổi chiến thuật và "phá hỏng đề xuất của Clifford, giữ quan điểm rằng tất nhiên chúng ta không thể chấp nhận những gì Kosygin nói một cách nghiêm túc. Không hay biết sự trở mặt của Ngoại trưởng, Clifford và Harriman giữ vững lập trường nhưng không đi đến đâu.
Như Harriman hồi tưởng: "Tác động thực sự của điều này là cực kỳ mạnh mẽ, gạt bỏ Kosygin, và Clifford và tôi đều nghĩ chúng tôi đã để mất một cơ hội đưa chính phủ Liên Xô vào cùng gánh vác trách nhiệm, theo một cách có giá trị nhất, cho tương lai hòa đàm".
Thất vọng bởi cách hành xử của Rusk, Harriman nhớ lại rằng "Tôi chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ một cuộc thảo luận nào ở Nhà Trắng, nơi có một nỗ lực quá rõ ràng được thực hiện về phía một thành viên trong Nội các của Tổng thống với mục đích phá hoại vị thế của người khác trước khi người ta có cơ hội thể hiện nó".
Trở lại Foggy Bottom cùng nhau, Rusk nói với Harriman rằng "vấn đề với Clark là ông đã đánh mất dũng khí kể từ khi tiếp quản Lầu Năm Góc". Tức giận bởi sự gièm pha này, Harriman nói với sếp của mình rằng ông không đồng ý về cơ bản với cách giải thích của ông này về các động cơ của Clifford. Sau đó, ông ghi lại: "Tôi cảm thấy Dean chắc chắn đã sử dụng đòn tấn công này vào tính cách của Clark với Tổng thống. Đối với tôi, kiểu tấn công như thế nhằm vào một đồng nghiệp là đê tiện".
Harriman và Clifford đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại thẳng thắn vào ngày 21/6, trong đó họ thảo luận về vấn đề cốt lõi đang phải đối mặt: cụ thể, họ tỏ ra là hai nhân sự cấp cao duy nhất của chính quyền Johnson quan tâm đến việc đạt được hòa bình ở Việt Nam.
Đối với Clifford, vấn đề chính là Tổng thống chịu ảnh hưởng của các cố vấn "bi quan", những người đưa ra một phản ứng xa lánh với Bắc Việt Nam. Clifford nói với Harriman rằng Tổng thống "được báo cáo rằng khó có thể chịu nổi về thái độ của chúng ta với Nam Việt Nam, binh lính của chính chúng ta và thậm chí cả vị thế của chúng ta trên thế giới nếu chúng ta để mặc cho Sài Gòn bị nã pháo trong khi Hà Nội không bị đụng đến. Ông ấy bắt đầu khó bảo.
Gắn với cách tiếp cận này, tôi nghĩ, là một nỗ lực từ phía ai đó muốn tỏ dấu hiệu rằng có lẽ sẽ không có kết quả gì từ Paris". Clifford tin rằng có một cách duy nhất để làm dịu bất mãn của "chính những người đàn ông rất quân phiệt" (ý ông là Rusk và Rostow), những người muốn leo thang một cuộc chiến trên không, và để nhấn mạnh một thực tế rằng các cuộc hội đàm ở Paris đang tạo ra "những chỉ hướng" đầy hy vọng, ngay cả khi điều này không khớp với thực tế. Nếu báo chí Mỹ đưa tin Harriman đang đạt tiến bộ nào đó ở Paris, thì sẽ khó hơn cho Tổng thống khi phê chuẩn kiểu chiến dịch ném bom mà Rostow đề nghị.
"Những gì tôi nghĩ chúng ta phải làm", Clifford nhận xét, "là theo cách thận trọng nhất phải biểu thị được điều gì đó đang diễn ra". Cliford hy vọng rằng những bày tỏ hy vọng quá mức về chủ đề đàm phán sẽ phá được niềm tin thái quá của Rostow và Rusk vào khả năng của quân đội Mỹ sẽ vẫn thắng cuộc. Đó là một cách đặc biệt để chính quyền Johnson vận hành. Bộ trưởng Quốc phòng sẽ tham vấn ngoại giao và Ngoại trưởng sẽ đề nghị leo thang quân sự. Clifford tin rằng đối với những người chủ trương hòa bình của chính phủ, các viễn cảnh này là tuyệt vọng đến nỗi chỉ một sự dối trá nhẹ nhàng cũng có khiến cho công luận Mỹ hủy hoại những kẻ diều hâu.
Trong những ngày còn lại của chính quyền Johnson, Tổng thống xoay đổi hướng giữa hiếu chiến và kiềm chế, phản ánh những chia rẽ trong các cố vấn chính sách của ông và cả nước Mỹ. Clifford sau đó than vãn rằng Lyndon Johson hành động "giống như kiểu một nhà lãnh đạo lập pháp, tìm kiếm sự đồng thuận giữa những người luôn đối chọi nhau, chứ không giống như một vị tổng tư lệnh quyết đoán ra lệnh cho cấp dưới".
Trong khi Clifford mô tả năm 1968 là năm khó khăn nhất trong đời ông, Dean Rusk nhớ lại rằng thời gian đàm phán là "một vết nhơ" mà ông chỉ thoát được nhờ vào một ly rượu scotch, aspirin và thuốc lá hàng ngày. Nhận thấy rõ thời gian cầm quyền còn rất ít, Johnson đã quá kiệt sức để có thể đưa bản thân ra khỏi tình trạng buồn chán đã bén sâu.
Tạp chí Time đưa tin, có một "bầu không khí lặng lẽ bất thường trong Nhà Trắng", chứng tỏ những dấu hiệu cho thấy Johnson "đã đặt mình vào thì quá khứ". Bằng cách thể hiện sự thiếu quan tâm như vậy đối với các cuộc hòa đàm Paris, Johnson báo hiệu cho vị Phó Tổng thống của mình rằng ông này phải hạ gục Richard Nixon mà không có ai giúp đỡ.
Harriman và Vance muốn Tổng thống phấn chấn lên và áp đặt kiềm chế hơn nữa lên quân đội, nhưng Johnson không muốn tạo cú huých cần thiết này cho các cuộc hòa đàm Paris. Các nhà đàm phán của Tổng thống muốn hòa bình vì lợi ích của chính nó nhưng cũng lo ngại các cuộc hòa đàm bị kéo dài, mà không thấy hồi kết đâu, có thể mở hé một cánh cửa cho chiến thắng bầu cử của phe Cộng hòa. Và cả hai người đều xem Tổng thống Richard Nixon là một triển vọng kinh hoàng.
David Milne
(Sam Nguyễn dịch)
Tác giả David Milne là một giảng viên cao cấp về Lịch sử Chính trị Mỹ tại Đại học Đông Anglia. Ông là một thành viên Fox International tại Đại học Yale năm 2003, một thành viên cấp cao của Viện Gilder-Lehrman về Lịch sử Mỹ, New York City, năm 2005, và ông có tư cách hội viên tại Hiệp hội Triết học Mỹ, Philadelphia, năm 2008. Chuyên khảo đầu tiên của ông, "Rusputin của Mỹ: Walt Rostow và Cuộc chiến Việt Nam" đã được Hill and Wang xuất bản năm 2008. Hiện nay ông đang viết cuốn sách thứ 2, tựa đề tạm thời là Thuyết duy lý trí trong Ngoại giao Mỹ (Intellectualism in American Diplomacy), cho Farrar Straus and Giroux. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, International Affair, The Nation, và the Los Angeles Times.