Bảo tàng Áo dài vừa tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Sự kiện đánh dấu chặng đường 1 thập kỷ bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của bộ quốc phục Việt Nam.
Bảo tàng Áo dài chính thức hoạt động từ tháng 1/2014. Đây là nơi lưu giữ và vinh danh câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Bảo tàng không chỉ trưng bày hiện vật, tư liệu quý về áo dài mà còn phát huy các giá trị cốt lõi của trang phục dân tộc trong đời sống, góp phần vào sự đa dạng văn minh với các nền văn hóa thế giới, đưa áo dài đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Tổng lượt khách đến với bảo tàng năm 2022 là 39.150 người (tăng 128,3%), khách đến bảo tàng năm 2023 là 55.295 người (tăng 41,2%) so với năm trước.
Năm 2023, Bảo tàng Áo dài được công nhận là một trong 10 điểm tham quan thú vị của TP.HCM.
Trong những ngày đầu năm 2024, bảo tàng đã đón tiếp nhiều lượt khách tham quan, có khi gần 2.000 người mỗi ngày, trở thành một điểm đến thú vị của ngành du lịch, một nơi truyền cảm hứng cho lớp trẻ.
Mặt khác, bảo tàng cũng tạo điều kiện cho sinh viên các trường đại học trải nghiệm, tìm hiểu về trang phục dân tộc, học vẽ áo dài…
Hoa hậu Hà Kiều Anh là khách mời tại sự kiện. Cô cho biết đăng quang đến nay đã 32 năm. Suốt nhiều năm qua, khi tham dự lễ hội trong nước và quốc tế, nàng hậu đều mặc áo dài.
“Mọi người nói tôi mặc áo dài hợp, đẹp hơn nhiều trang phục khác. Tôi cũng thấy mình dịu hiền, tha thướt hơn trong tà áo truyền thống của dân tộc. Đây là quốc phục mà tin rằng mỗi người khoác lên đều thấy tự hào, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Chính điều đó khiến tôi thấy xúc động khi diện áo dài”, cô chia sẻ.
NTK Thuỷ Nguyễn giới thiệu chiếc áo dài Cô Ba Sài Gòn gắn liền với sự nghiệp của chị. Thuỷ Nguyễn từng thực hiện nhiều sự thay đổi với áo dài về phom dáng, đường cắt may, kỹ thuật in…
Chị mong người trẻ mặc áo dài nhưng không thấy cũ kỹ nên cải tiến, sáng tạo cái mới. NTK cũng tạo ra thiết kế phù hợp nhiều vóc dáng, màu sắc để trông luôn tươi vui, trẻ trung.
Bảo tàng có nhiều không gian trưng bày về áo dài như: lịch sử áo dài, áo dài các nhân vật đã đóng góp cho đất nước trong nhiều lĩnh vực, áo dài quốc hoa các nước ASEAN... Bảo tàng chú trọng giới thiệu áo dài gắn với các di sản văn hóa phi vật thể gồm: quan họ, hát xoan, ca trù, ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, đờn ca tài tử...
Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài - cho biết, sẽ tiếp tục nâng cấp nội dung, hình thức trưng bày, tổ chức các hoạt động triển lãm, trình diễn… Đồng thời, đơn vị mong được đồng hành cùng học sinh, sinh viên nhằm chia sẻ, lan tỏa các giá trị văn hóa.