Gạo hữu cơ ST25 của Công ty CP Hòa Lạc IEC được sản xuất ở vùng lúa gạo hữu cơ rộng 5 ha ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ, áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, dùng phân bón cho sản xuất hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, Tổ hợp tác Sản xuất lúa thôn Bình Quang (xã Cẩm Bình) đã chuyển đổi đất và sản xuất 4 vụ liên tiếp từ vụ xuân năm 2023 đến nay theo quy trình hữu cơ. Đây là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ.
Tại buổi lễ, chính quyền địa phương đã trao giấy chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ cho Tổ hợp tác Sản xuất lúa hữu cơ thôn Bình Quang, và trao giấy chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ cho sản phẩm gạo ST25 của Công ty CP Hòa Lạc IEC. Các chứng nhận này đều do Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL (Hà Nội) cấp theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017.
Ông Dương Thế Hoàng - Giám đốc Công ty CP Hòa Lạc IEC cho biết, trong thời gian tới, công ty tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi liên kết, hình thành, ký kết hợp tác với các tổ hợp tác, mục tiêu đến 2030 đạt quy mô 1000 hec ta liên kết sản xuất lúa hữu cơ và lúa sản xuất theo chuẩn Vietgap. Mục tiêu đến năm 2027 sẽ phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ gạo hữu cơ như bún, miến, bánh đa nem, trà hữu cơ…, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định hơn đầu ra cho bà con nông dân tham gia dự án, phục vụ cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo đại diện công ty Hòa Lạc IEC, hiện tại cơ cấu sản phẩm của Hòa Lạc IEC bao gồm: gạo hữu cơ thường, gạo hữu cơ trứng sữa, với quy trình chăm sóc đặc biệt bằng sữa tươi, trứng gà và các chế phẩm sinh học.
Doãn Phong