Cưới xong, anh chị dắt díu nhau lên vùng cát, cực đến nỗi đến đôi dép cũng không có mà đi. Sau những lần trắng tay, anh lại đi khắp nơi làm ăn và học cách chinh phục đất cát. Lần này về, anh đã làm thiên lý nở hoa.

Anh Trần Văn Xô ở thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là một trong những người đầu tiên tiên phong lên khai hoang, bám trụ và làm giàu thành công trên vùng cát Quảng Hưng.

Khoảng 20 năm về trước, đây chỉ là mảnh đất cát cháy, lơ thơ vài gốc cây còi cọc, thanh niên trong vùng lớn lên đều tìm đường thoát ly, chưa ai từng nghĩ sẽ phát triển được trên những đồi cát mênh mông, khô cằn.

{keywords}

Anh Trần Văn Xô đang hái hoa thiên lý

“Chúng tôi đều là con nhà nông, hai bên cha mẹ đều nghèo nên ngày cưới đến đôi giày cũng phải đi mượn. Sau khi cưới xong, chính quyền địa phương có chủ trương lên vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Thời điểm đó khoảng năm 1998”, anh Xô kể.

Lên vùng cát, anh chị dựng túp lều nhỏ tránh mưa nắng, khai hoang được gần 3 ha đất rồi vay mượn tiền để trồng dưa hấu. Năm đó nắng hạn, mùa dưa thất bại, toàn bộ vốn liếng chìm vào cát. Anh dắt chị vào miền Nam kiếm sống.

Làm ở miền Nam được 2 năm và có một chút vốn nho nhỏ, vợ chồng anh lại về quê với ước mơ làm giàu. Thấy các mô hình kinh tế chủ yếu lấy ngắn nuôi dài, anh cũng học tập, đầu tiên trồng ít hoa màu, chăn nuôi nhỏ lẻ để dần dần mở rộng quy mô. Nhưng, giữa những đồi cát nắng cháy, thiếu nguồn nước nên không cây cỏ nào sống nổi, lần này anh lại thất bại.

“Sau hai lần thất bại, tôi không còn dám nghĩ đến chuyện chinh phục đồi cát làm giàu. Song anh Xô thì vẫn không từ bỏ ý định. Lần này, anh để tôi ở nhà chăm các con, mình anh đi khắp nơi kiếm sống. Ròng rã 7 năm, anh vừa kiếm tiền gửi về nuôi vợ con, vừa tìm tòi học hỏi những mô hình làm kinh tế có thể phát triển ở đất cát Quảng Hưng” , chị Phạm Thị Thận - vợ anh Xô - kể.

Sau 7 năm xa xứ, anh về quê quyết tâm làm giàu trên cát nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt. “Đến vợ tôi còn đòi bỏ về nhà ngoại nếu tôi vẫn cố chấp không nghe. Phải mất mấy tháng mới thuyết phục được vợ và gia đình" anh Xô nhớ lại.

{keywords}

Hoa thiên lý anh bán cho thương lái

Lần đó, hai vợ chồng lại cắm sổ đỏ vay ngân hàng để lấy tiền lên đồi cát làm trang trại. Với mô hình trồng hoa thiên lý kết hợp chăn nuôi vịt, anh đã thành công.

“Sau nhiều năm lăn lộn, nhận thấy cây thiên lý thích hợp với khí hậu khắc nghiệt nên tôi đã quyết định trồng. Để cây phát triển tốt, tôi đầu tư giếng khoan rồi lắp hệ thống tưới nước tới tận từng gốc cây. Nhờ đó, tiết kiệm được nguồn nước tưới và cây hoa thiên lý lúc nào cũng đủ độ ẩm, phát triển tốt”, anh Xô cho biết.

Là một loại hoa có giá trị dinh dưỡng cao nên thiên lý rất được ưa chuộng trên thị trường. Nếu trồng nhỏ lẻ ở các hộ gia đình thì thiên lý chỉ nở hoa được từ 2-3 tháng, nhưng với mô hình trồng tập trung và kỹ thuật chăm bón hiệu quả, vườn hoa thiên lý của anh Xô cho ra hoa từ 9-10 tháng (từ cuối tháng 2 tới tháng 10) hàng năm.

Với diện tích gần 1 ha, bình quân mỗi ngày anh Xô thu hoạch được 30-50 kg hoa thiên lý, mỗi năm từ 8-9 tấn bán với giá bán dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg, được thương lái thu mua ngay tận vườn.

Để giúp cho vườn hoa sạch cỏ, giảm được các loại bọ rệp, anh Xô đã đầu tư xây một bể chứa nước dưới giàn hoa thiên lý để nuôi thêm gần 1.000 con vịt, bình quân mỗi ngày anh thu được trên 700 quả trứng. Với cách làm này, anh đã giảm được lượng thức ăn phải mua cho đàn vịt, đồng thời tận dụng được nguồn phân để bón cho cây hoa.

Hiện gia đình anh đã trả hết nợ, thoát nghèo và trở thành hộ khá giả trong vùng với thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Hải Sâm