Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam dù diện tích chiếm 9,23% và dân số chiếm 22,17% dân số của cả nước (số liệu năm 2019), nhưng đây là vùng kinh tế năng động, đầu tàu phát triển, có đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách, giá trị xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của cả nước.
Năm 2020, GRDP của Vùng đạt 1.941,021 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) chiếm 50,45 % GDP của cả nước, trong đó TPHCM chiếm 51,12% GRDP của cả Vùng.
Một góc tỉnh Hậu Giang |
Mới đây, 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu đã cùng ngồi lại tìm hướng thống nhất về giao thông đi lại, liên kết tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế sau dịch.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng việc liên kết, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các tỉnh, thành trong vùng giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh COVID-19, đồng thời chia sẻ về vắc-xin với các địa phương có nhu cầu là cần thiết. Riêng về nông nghiệp, đây là lĩnh vực chủ lực và có thế mạnh nhất của toàn vùng, để phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, các địa phương cần tăng cường hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối. Phối hợp triển khai kế hoạch đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia các hoạt động thu hoạch, thu mua nông sản. Song song đó, cần cùng nhau tổ chức kênh hợp tác, liên lạc thường xuyên giữa các tỉnh để thông tin về các mặt hàng có thế mạnh của địa phương để hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Trao đổi, hợp tác trong triển khai thực hiện quy hoạch ĐBSCL, nhất là về phát triển hạ tầng, thương mại, logistics; trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Về giao thông - vận tải, cùng thống nhất việc tổ chức, kiểm soát tại các chốt kiểm dịch giữa các địa phương để kiểm soát toàn bộ các đối tượng, phương tiện ra vào giữa các tỉnh, thành. Đồng thời, phối hợp khôi phục lại các đường bay trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều đề xuất: Cần nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm tại các địa phương, đặc biệt là phát huy hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ. Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT-TT&DL phối hợp với Công an tỉnh, người phát ngôn của UBND tỉnh cung cấp nhanh nhất, sớm nhất thông tin cho các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh; quản lý tốt thông tin trên không gian mạng. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở VH-TT-TT&DL phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế chuẩn hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu người dân đã tiêm chủng vắc-xin COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Về lĩnh vực du lịch, cần xây dựng kế hoạch của cụm liên kết về phục hồi du lịch do tác động của dịch COVID-19, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch giữa các tỉnh, thành và các doanh nghiệp du lịch.
Cùng quan điểm đó, đại diện lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ cho rằng: Đứng trước thách thức lớn của dịch COVID-19, để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững thì cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong phòng chống dịch, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ. Trước mắt, về lĩnh vực y tế, các tỉnh cần có cơ chế chia sẻ nền tảng bản đồ phòng chống COVID-19 và thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương, đặc biệt là địa phương áp dụng mức độ nguy cơ ở cấp 1 và cấp 2. Cho phép hoạt động 100%. vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, vận chuyển nội bộ bằng xe ô tô, kể cả nội tỉnh và liên tỉnh.
Trong thúc đẩy phục hồi kinh tế cho vùng kinh tế trọng điểm Nam sông Hậu trước tác động của dịch COVID-19 đợt 4, lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL đều nhất trí cho rằng, việc thực thi các giải pháp liên kết vùng lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ để có thể “biến nguy thành cơ”. Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần giảm đến mức thấp nhất việc đứt gãy chuỗi xuất khẩu tại các thị trường bên ngoài. Đặc biệt là kịp thời giải quyết những vướng mắc trong phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, cũng như sớm thực thi tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Hồng Linh