Tối 15/10, Hoàng Dũng tổ chức live concert riêng tại Nhà thi đấu quân khu 7 TP.HCM với gần 5.000 khán giả tham dự. Trong hơn 3 tiếng đồng hồ, Hoàng Dũng đã thể hiện gần 30 bài hát cùng với các khán giả của mình.

Mở đầu chương trình, Hoàng Dũng cất giọng: “Chúng ta đều đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Yên là gì?”. Là một áng mây? Là một ngôi nhà? Hay là một cánh chuồn chuồn? Tôi tự hỏi mình vào năm tôi mười tám, liệu yên có phải là một mối tình đầu không?”.

Với Hoàng Dũng năm 18 tuổi, yên là mối tình đầu. Tình yêu với anh lúc đó không hẳn là cái nắm tay hay sự tương tác với một người nào đó mà chỉ là một loại cảm giác tồn tại trong suy nghĩ.


Ở tuổi 27, Hoàng Dũng dùng âm nhạc trong Yên để tri ân và tái hiện tuổi đôi mươi tươi đẹp của chính mình. Đó là chút vụng dại trong Ném câu yêu vào không trung, Đôi lời tình ca… Là chút nhiệt huyết trong Đôi mươi hay Bữa tiệc của những giác quan… Rồi lại trầm lắng trong Chia tay hay Nửa thập kỷ…

Có thể nói, từ 25 cho đến Yên, Hoàng Dũng luôn biết cách tạo ấn tượng cho những “bạn nhạc” của mình. Nếu ở đêm nhạc 25 là sự tối giản để làm bùng lên cảm xúc âm nhạc, thì với Yên, Hoàng Dũng lại bố trí sân khấu thành một ngôi nhà để tạo cảm giác gần gũi và thân quen cho khán giả.

Trong ngôi nhà này, Hoàng Dũng dùng chất giọng thơ mộng, tâm tình của mình để kể lại từng giai đoạn của quá trình trưởng thành. Từ ngây ngô, hồn nhiên của tuổi mới lớn cho đến muộn phiền, mất mát của những lần chia tay tuổi đôi mươi. Sau mỗi bài hát, anh đều có những khoảng dừng để thủ thỉ với khán giả về "yên".

Hoàng Dũng thủ thỉ cùng khán giả.

Anh chia sẻ: “Qua những ban mai, những hoàng hôn, và cả chạng vạng. Qua những mộng mơ, những sự thăng hoa, vấp ngã và bài học. Tôi nhận ra yên không phải là ngồi yên một chỗ. Yên là khi chúng ta chấp nhận cuộc sống là một vòng tuần hoàn. Sau màn đêm đen tối sẽ là mặt trời ló dạng. Sau những lúc chúng ta buồn nhất rồi mọi thứ sẽ tốt lên. Yên là khi chúng ta đón nhận tất cả mọi thứ xung quanh mình, với những niềm vui và nỗi buồn bằng một tâm thế ung dung và không lo lắng gì cả”.

Xuất hiện với vai trò khách mời, Orange và G-Ducky lần lượt mang đến những màu sắc khác nhau cho ngôi nhà của Hoàng Dũng. Nếu Orange là sắc cam tươi tắn thì G-Ducky lại là chút ngông nghênh của tuổi trẻ. Hoàng Dũng đã khéo léo dùng màu sắc của riêng mình để kết hợp cùng khách mời, tạo ra những khoảng lắng đọng trong cảm xúc người nghe.


Đêm nhạc Yên được Hoàng Dũng chia thành 4 chương: Mộng mơ, Thăng hoa, Tan vỡYên. Ở mỗi chương, ngôi nhà trên sân khấu lại chuyển động đến một vị trí mới. 

Hoàng Dũng cho biết các chương của đêm nhạc còn ứng với các trạng thái của một một ngày như ban mai, hoàng hôn và chạng vạng. Ở đoạn cuối giai đoạn chạng vạng, anh bộc bạch: “Những lúc chúng ta thăng hoa nhất lại là những lúc dễ mất thăng bằng và dễ gục ngã nhất. Tôi nhận ra rằng có những lúc mình rất buồn, thất vọng và đau khổ. Nhưng liệu chúng ta có nên trốn tránh điều đó không?

Nỗi buồn luôn song hành với niềm vui trong cuộc sống. Trong những lúc như thế, tôi thường hay nhớ đến những hành trang, kỷ niệm đã đi cùng tôi suốt quãng thời gian đầu tiên. Tôi nhìn vào để biết được rằng hoá ra mình đã đi xa được đến thế. Nhìn để biết được rằng chúng ta không nên ở một chỗ. Nỗi buồn chẳng qua là một gia vị trên con đường chúng ta đi”.

Sau khi đã thấu hiểu nỗi buồn, Hoàng Dũng lần nữa đặt ra câu hỏi “Yên là gì?”. Anh không vội trả lời mà tiếp tục giở ra chương cuối của đoạn hành trình, phủ lên đó những cảm xúc dịu dàng với các khúc hát như Về nhà, Ngủ đi để thấy nhau còn bình yên… và cuối cùng khép lại bằng Đoạn kết mới. 


Tuy nhiên, trước khi mọi người tiếc nuối, Hoàng Dũng đã kịp tạo dấu ấn bằng màn kết tiết mục Nàng thơ đầy bất ngờ. Cả khán đài vỡ òa rồi cùng cất cao giọng hát trong ngôi nhà âm nhạc mà Hoàng Dũng dựng nên. Để cuối cùng, khán giả cũng tìm thấy được một góc bình yên trong tâm hồn mình nhờ âm nhạc.

Trần Yến