- Hoang mang, lo lắng, đi không được, ở cũng chẳng xong…đó là thực trạng mà người dân thôn Trung Trinh, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải è cổ chịu đựng trong hàng chục năm qua vì phải sống cạnh những kho thuốc sâu ô nhiễm.

Hơn 50 người chết vì bệnh ung thư

Ông Lê Dũng (59 tuổi, một người dân) cho biết, thời chiến tranh, từ năm 1965-1968, thôn Trung Trinh có 3 kho thuốc sâu của tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ). Mỗi kho rộng hàng ngàn m2, chất ngổn ngang hàng trăm thùng phuy chứa đầy các loại thuốc sâu có màu trắng đục như sữa và màu vàng sẫm như nước mắm.

{keywords}

Bà Trần Thị Điểm, một người dân thôn Trung Trinh chỉ vào nguồn nước của gia đình vẫn dùng để sinh hoạt cho dù bị nhiễm thuốc sâu nặng.

Sau giải phóng, người ta hủy ba kho này bằng cách đưa ô tô đến chở những thùng phi chứa đầy chất độc nhưng còn nguyên vẹn đi nơi khác, riêng những thùng phi chất độc đã bị vỡ hoặc vận chuyển không an toàn thì bị bỏ lại tại chỗ rồi lấp đất lên.

“Tôi còn nhớ, trận lụt năm 1986 đã làm những thùng phi chứa đầy chất độc ở kho thuốc sâu cách nhà tôi khoảng 200m bị trồi lên trên mặt đất rồi sau đó vỡ ra. Toàn bộ chất độc nhơn nhớt, nhừa nhựa, màu đục như sữa chảy tràn lan vào nguồn nước, thấm sâu vào đất vườn.

Tiếp đó, đến khoảng năm 1990, hàng trăm người dân ở những vùng lân cận đã đến thôn đào lấy đất có trộn thuốc sâu mang về bón xuống ruộng lúa để cây lúa ít sâu bệnh, cho năng suốt cao”, ông Dũng nói.

Hiện nay khi xới đất trồng cây, mùi thuốc sâu cũng từ lòng đất bốc lên; giếng nước phía sau nhà ông cũng nồng nặc mùi thuốc sâu...

{keywords}

Địa điểm trước đây vốn là một trong 3 kho thuốc sâu tại địa phương.

Ông Dương Phùng Hưng (56 tuổi, trưởng thôn Trung Trinh) cho biết, cả thôn này có tổng cộng 200 hộ dân với 806 nhân khẩu. Hàng chục năm nay, dù biết nguồn đất, nước bị ô nhiễm nặng bởi 3 kho thuốc sâu đặt trên địa bàn nhưng vì chưa có lối thoát nên nhiều hộ dân vẫn phải cắn răng chịu đựng.

Dân phải lấy nước nhiễm độc để uống và sinh hoạt, một số hộ dân khác thì đúc bể xi măng hoặc mua bồn nước innox về chứa nước mưa để uống nhưng vẫn phải lấy nước giếng rửa rau, bát chén.

Theo thống kê của trưởng thôn Trung Trinh, 10 năm qua đã có hơn 50 người dân trong thôn chết vì mắc các căn bệnh như ung thư gan, phổi, vòm họng, não, …người chết trẻ nhất mới 32 tuổi. Đặc biệt trong năm 2014 có 15 người chết vì bệnh ung thư và từ đầu năm 2015 đến nay đã có 3 người chết vì căn bệnh này.

Có trường hợp như gia đình anh Nguyễn Hoan, có bố mẹ ruột đều chết vì bệnh ung thư gan, phổi. Năm 2011, anh Hoan cũng phải từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư mũi và hiện 2 đứa con gái ruột của anh Hoan là cháu Nguyễn Thị Loan (22 tuổi), Nguyễn Thị Lợi (8 tuổi) cũng bị bại não, ngây dại vì nghi có liên quan đến hệ lụy ô nhiễm nguồn nước.

Người dân vẫn dài cổ chờ đợi…

Cũng theo trưởng thôn Trung Trinh, liên quan đến vấn đề ô nhiễm tại địa phương, nhiều năm nay, người dân đã nhiều lần phản ánh, cầu cứu khắp nơi và trên thực tế đã có hàng chục đoàn từ các cơ quan chức năng liên quan về để lấy mẫu kiểm định.

“Kết luận là nguồn nước, đất đai bị ô nhiễm nặng bởi thuốc sâu. Nhưng họ về rồi lại đi và đến nay người dân vẫn đang từng ngày trông chờ vào giải pháp xử lý của cơ quan chức năng”, ông Hưng nói.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Lý (45 tuổi), ô nhiễm đã làm chị mất đi 3 người thân là chồng và bố mẹ chồng, ngoài ra cũng khiến 2 đứa con gái của chị (bên cạnh) bị bại não, ngây dại.

Bà Nguyễn Thị Hường (58 tuổi, một người dân) nói: “Chúng tôi rất mong chính quyền nhanh chóng xử lý rốt ráo. Nếu không thể di dời người dân khỏi nơi ở hiện tại thì cần phải triển khai đầu tư ngay một dự án nước sạch trên địa bàn để người dân dùng, thay thế nguồn nước đã bị nhiễm độc nặng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho biết, trước lo lắng của người dân thôn Trung Trinh, đơn vị này và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần xuống hiện trường để kiểm tra, lấy mẫu đưa đi kiểm định và kết quả là nguồn đất, nước bị ô nhiễm nặng bởi thuốc sâu.

“Qua nhiều cuộc họp, đã có nhiều giải pháp căn cơ được đưa ra để giải quyết tình trạng ô nhiễm tại thôn Trung Trinh nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể thực hiện được giải pháp nào. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành bóc toàn bộ lớp phong hóa đất tại những điểm có kho thuốc sâu để hạn chế ô nhiễm”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, trả lời về tính khả thi sắp tới sẽ triển khai đầu tư một dự án nước sạch cho người dân thôn Trung Trinh dùng thì ông Tùng nói: “Về dự án này thì đến nay chưa có”.

Sáu Quớ - Duy Tuấn