- Cả TPHCM hiện tại chưa có một nhà hát nào đạt chuẩn, hầu hết các đơn vị biểu diễn nghệ thuật phải đi thuê, giá thị trường chỉ có các đêm ca nhạc nhiều “sao” mới chịu nổi. Nhà hát xây 30 năm vẫn không xong, cái xong rồi thì lại bị… lỗi, không thể sử dụng được.
Hơn trăm tỉ “đắp chiếu”
Thanh tra TPHCM từ lâu đã công bố kết luận và được UBND TP đồng thuận về việc xây dựng Trung tâm nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo quá nhiều sai phạm. Lãnh đạo thành phố cũng quá đau đầu về trường hợp nổi cộm này.
Các nghệ sĩ múa 'tập chay' trên sân khấu trống. |
Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo (được xây dựng trên nền rạp hát Hưng Đạo cũ ở địa chỉ số 136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) dự kiến bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quản lý và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuy nhiên, đơn vị này không chịu nhận vì không thể mơ tới “thánh đường cải lương”, sân khấu đã xây dựng ẩu, quá nhiều lỗi trong thiết kế, trang thiết bị không phù hợp với nhu cầu biểu diễn của sân khấu cải lương hiện đại.
Theo kết quả thanh tra, sàn diễn sân khấu chính thiết kế miệng sân khấu 10 m là chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Vị trí lắp đặt hệ thống âm thanh, đèn, ghế ngồi khán giả, bàn điều khiển âm thanh, ánh sáng tại khán phòng chính chưa phù hợp theo yêu cầu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Do năng lực chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát yếu kém và cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm nên dự án công trình nhà hát từ 59 tỉ đồng đã đội lên 132 tỉ đồng. Nhà hát xây xong 'đắp chiếu'. Mới đây, thành phố chỉ đạo tìm địa điểm khác để xây lại nhà hát Cải lương.
Ông Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM cho hay, ông được biết Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở VHTT) – đơn vị đã xây dựng nhà hát cải lương Trần Hữu Trang bị lỗi, dẫn đến cảnh 'đắp chiếu' không thể sử dụng được giờ đây lại chính là chủ đầu tư công trình xây nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM.
Hơn ngàn tỉ lâm cảnh 'trên giấy'
"Xây nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch nghĩa là để phục vụ cho nghệ thuật âm thanh không cần đến trang thiết bị tăng âm nhưng độ vang phải đủ cho khán phòng", ông Trần Vương Thạch nói.
"Thậm chí các kiến trúc sư quốc tế nhiều người cũng thất bại chứ không phải ai cũng thành công. Còn các kiến trúc sư âm thanh người Việt thì chắc chắn là chưa ai làm được. Rồi còn vấn đề kỹ thuật ánh sáng, quy mô… Vậy mà chúng tôi, những người sẽ trực tiếp điều hành và sử dụng nhà hát lại không được tham khảo ý kiến, góp ý về thiết kế, về thiết bị, đối tượng phục vụ của nhà hát, đối tượng nghệ thuật mà nhà hát phải phục vụ… thì tới đây họ sẽ xây ra cái gì ?", ông Thạch nói thêm.
Vở nhạc kịch 'Cuộc sống Paris' trên sân khấu nhà hát thành phố. |
Ông Trần Vương Thạch khẳng định: "Theo tôi, nhà hát đã xây lên, cần phải đáp ứng được điều kiện biểu diễn cho bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác chứ không phải chỉ đáp ứng được yêu cầu biểu diễn nghệ thuật châu Âu. Nếu chỉ làm để thoả mãn điều đó thì rất thiển cận, phiến diện. Khi xây nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã không đạt được chất lượng, các chuẩn đều bị coi thường, hạ thấp, nên mới lâm cảnh 'đắp chiếu' không thể sử dụng được.
Nếu thực sự trân trọng và muốn nâng tầm âm nhạc dân tộc của chúng ta lên giao lưu và hoà nhập với thế giới, thì phải xây dựng nhà hát đạt chuẩn quốc tế, bởi vì nghệ thuật cải lương của chúng ta có giá trị và tầm cỡ giống như những vở nhạc kịch của thế giới. Vậy bây giờ xây nhà hát đạt chuẩn nghệ thuật đỉnh cao, thì làm thế nào? Liệu chúng ta có thể xây dựng được một nhà hát tối thiểu như nhà hát thành phố hiện hữu, tuy nhỏ nhưng đã tồn tại 100 năm rồi và còn có thể sử dụng thêm 100 năm nữa?".
"Dự án xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch đã bắt đầu từ khoảng 30 năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa khởi động" - ông Trần Vương Thạch cho biết.Đã có lúc, thành phố có chủ trương phê duyệt xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại địa điểm Công viên 23-9, trong không gian rộng 1,2 ha, gồm 3 nhà hát trong một cụm công trình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.200 tỉ đồng.
Mới đây, thành phố chỉ đạo địa điểm mới phù hợp hơn được chuyển về quận 2, khu vực bên sông, nhưng hiện tại chưa có cầu sang địa điểm mới. Theo chỉ đạo từ UBND TPHCM thì từ giờ tới tháng 6-2017 dự án phải chính thức khởi động. Ông Trần Vương Thạch hy vọng đến 2021 thì có thể khởi công công trình ngàn tỉ này.
Bài 2 : Xây nhà hát trăm tỉ hay ngàn tỉ phải nghĩ cho trăm năm
Hoà Bình