Tại các chợ đầu mối, trái cây Trung Quốc nhập về chiếm hơn 50% nhưng khi xuất ra đến tiểu thương phân phối thì chỉ toàn dán tem là hàng nhập từ châu Âu, Úc, Mỹ… Tuy nhiên, khi dùng các phần mềm truy xuất nguồn gốc trái cây kiểm tra các tem này đều không cho ra kết quả.
Trái cây Trung Quốc "đội lốt" Mỹ, Úc?
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trái cây Trung Quốc chiếm hơn 50% trái cây nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ đầu mối Thủ Đức, chợ truyền thống ở khu vực quận 1, quận Tân Bình, Gò Vấp, quận 8... thì trái cây Trung Quốc gần như vắng bóng. Hầu hết, các loại táo, lê, nho, cam... đều được các tiểu thương giới thiệu là hàng nhập khẩu Mỹ nguyên thùng.
Ghi nhận tại khu vực chợ đầu mối Thủ Đức, mỗi đêm có hàng trăm xe container chở trái cây Trung Quốc về đổ hàng. Ngay sau đó, các tiểu thương tại đây nhanh chóng lấy hàng từ những thùng ghi dày đặc chữ Trung Quốc ra và đóng gói lại thành nhiều thương hiệu khác.
Tại một quầy hàng vừa đóng gói xong, khi chúng tôi hỏi mua táo với số lượng lớn, bà chủ tên Thuỷ đã nhanh chóng mời chào: "Táo Mỹ nhập khẩu đây em, tươi ngon luôn, chị mới nhập về nên đảm bảo cho em, táo này dễ bán lắm. Em mua sỉ chị để cho 1 triệu 1 thùng 20kg, em lựa hàng xong chị cho người mang ra xe cho". Trên sạp táo của bà Thuỷ, chúng tôi nhận thấy táo ở đây đều được dán nhãn táo Mỹ.
Thùng hàng chữ Trung Quốc rất nhiều nhưng hàng bày bán toàn dán tem nhập khẩu châu Âu, Mỹ, Úc... |
Ghi nhận tiếp tại hơn 10 sạp bán táo, lê tại chợ đầu mối Thủ Đức, chúng tôi đều không thấy bóng dáng của trái cây Trung Quốc. Gần như tất cả trái cây ở đây đều được giới thiệu là hàng nhập khẩu Mỹ. Tuy nhiên, cùng một loại táo, mỗi tiểu thương lại dán một loại tem khác nhau. Trên mỗi loại tem đều chỉ ghi mã số chung chung và không thể truy xuất được nguồn gốc.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua táo, lê Trung Quốc cho rẻ thì một tiểu thương tên Bình cho hay: "Ở đây tụi anh chỉ bán hàng nhập khẩu Mỹ, Úc, Nhật thôi, không ai bán hàng Trung Quốc em ạ. Giờ hàng Trung Quốc ít người mua lắm".
Cùng một loại táo có nhiều loại tem khác nhau |
Trao đổi với phóng viên, ông Đ. (nhân viên bốc xếp thuê ở chợ đầu mối Thủ Đức) chia sẻ: "Tôi làm ở đây hơn 10 năm rồi. Ở đây toàn lấy hàng từ Trung Quốc về bán thôi, hàng Mỹ ít lắm. Họ lấy hàng Trung Quốc về rồi đóng gói lại thôi chứ làm gì có nhiều hàng Mỹ mà bán. Anh chị cứ mua vài lần rồi người ta quen mặt người ta chỉ chỗ cho mua rẻ hơn. Tem thì anh chị muốn mua bao nhiêu cũng có hết. Tôi thấy tem dán cho đẹp thôi chứ để làm gì đâu".
Tem xuất xứ dán cho có?
Để kiểm tra các tem được dán trên các loại trái cây trên, chúng tôi đã dùng phần mềm chuyên kiểm tra trái cây icheck và Seach PLU nhưng đều không ra kết quả. Như vậy, có thể khẳng định các loại tem được dán vào trái cây cũng chỉ là "cái mác" để người mua yên tâm còn chất lượng ra sao chỉ người bán mới biết chính xác.
Tiếp tục khảo sát tại một chợ truyền thống tại quận 8, một tiểu thương bán trái cây cho rằng mình chỉ bán hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, quan sát trên xe bán hàng của chị này, chúng tôi thấy cùng một loại táo nhưng hình dạng không đồng đều, màu sắc cũng khác nhau nhưng lại được dán cùng một loại tem.
Khi thắc mắc về vấn đề trên, chị Vĩnh cho biết: "Do tôi lấy nhiều loại về nhưng bận quá nên xếp lẫn lộn thôi. Chị bán táo nhập khẩu Mỹ không em ạ, chị không bán hàng Trung Quốc. Do lấy lời ít nên chị bán 40.000 đồng/kg thôi, mấy chỗ khác người ta bán phải hơn 100 ngàn. Em thấy đấy, chị bán còn nguyên tem đây nè".
Người tiêu dùng phân vân khi chọn táo nhập khẩu |
Để kiểm tra loại táo và lê của chị Vĩnh, chúng tôi đã mang hai loại trái cây trên cho một chủ sạp trái cây uy tín tại chợ Tân Định thì chị này cho rằng: "Mấy năm nay quầy bán táo nào cũng dán tem xuất xứ từ Mỹ, New Zealand cho dễ bán. Tuy nhiên, thực chất táo nhập khẩu Mỹ ít lắm, chủ yếu là táo Trung Quốc thôi. Riêng về lê cũng chủ yếu là hàng Trung Quốc”.
Chị Vĩnh tư vấn: “Nếu khách hàng chú ý một chút thì nhìn bề ngoài cũng dễ dàng phân biệt được. Lê, táo hay nho Mỹ lúc nào cũng có màu nhạt hơn những loại nhập khẩu rất nhiều. Hình dạng thì các loại trái cây nhập khẩu Mỹ cũng đồng đều nhau hơn".
Kiểm tra phần mềm icheck các loại táo |
Chị Đinh Thị Hương (ngụ quận 1) cho biết: "Mỗi tuần tôi đều đi chợ mua trái cây về để gia đình ăn trong ngày. Theo như lời của người bán thì tất cả hàng trên đều nhập từ châu Âu và còn nguyên tem nhưng tôi để ý thấy chủ yếu được đóng bởi các thùng ghi toàn chữ Trung Quốc. Theo tôi, việc dán tem cũng chẳng an tâm được”.
Cùng quan điểm với chị Hương, chị Nga (ngụ Tân Bình) tâm sự: "Mình thấy có tem thì mình mua thôi, còn tem thật hay tem giả ai mà kiểm định được. Không lẽ cứ phải vạch từng trái táo, tráo cam ra coi thì kỳ quá. Giờ đâu đâu cũng toàn hàng nhái hàng giả nên thà không biết còn dám sử dụng, biết rồi không biết ăn gì, uống gì luôn".
(Theo Dân trí)