Anh nói, với anh vẽ là sống, rằng khi vẽ anh được một cuộc đời khác. Tôi mỉm cười hình dung cảnh anh ngồi bên giá vẽ, quên hết mọi thứ xung quanh để với bảng màu, cây cọ, trên bức toan trắng, bắt đầu cuộc đời của mình.
Với vẻ ngoài điển trai, phong trần, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ được biết đến như một cá tính độc đáo của nền hội họa Việt Nam đương đại. Ngoài tài vẽ, người ta còn kể về anh như một kẻ đam mê làm bạn với… Lưu Linh. Anh cũng thừa nhận mình “hay rượu”. Thậm chí nhiều lần anh đã mượn cái chếnh choáng của rượu để lên men cho những bức vẽ của mình. “Có một chút rượu vào, vẽ thích lắm. Tuy nhiên, tôi thường chờ đến hôm sau tỉnh táo để xử lý lại một số vấn đề kỹ thuật. Hội họa cần cả hai: say và tỉnh” – Hoàng Phượng Vỹ tâm sự.
Họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ |
Sinh năm 1962 tại Hà Nội, nhưng quê gốc của Hoàng Phượng Vỹ là ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh chính là con trai của cố nhà thơ Hoàng Trung Thông, một đại diện tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam giai đoạn trước. Mẹ anh là người họ Hồ, cùng làng với bố. Thuở nhỏ Phượng Vỹ thường được theo bố về quê. Với anh, quê hương là chốn bình yên để tâm hồn con người nương náu. Không được sống ở quê nhưng anh còn nhớ rõ xã Quỳnh Đôi năm nào với những ngôi nhà mái lá núp sau bóng cây, với những người nông dân quê mùa thật thà, chất phác. Nhà anh ngày đó ở Ngô Quyền, ngay gần ga Hà Nội nên những người họ hàng ở quê thường xuyên ra chơi. Bởi vậy mà Phượng Vỹ lúc nào cũng cảm nhận được sự gắn kết với quê hương xứ Nghệ, lúc nào anh cũng cảm giác như đang được ở quê.
Nhờ các mối quan hệ bạn bè của bố, từ nhỏ Hoàng Phượng Vỹ đã được tiếp xúc nhiều với giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là các danh họa như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến… Không chỉ tiếp xúc, anh thực sự là một người bạn của họ. Dù mới chỉ là một đứa trẻ, anh có thể tự mình đến chơi nhà các họa sĩ, trò chuyện thân tình với họ, thậm chí được họ xưng hô bằng tên thay vì xưng chú, xưng bác. Những lúc ngắm tranh, xem các họa sĩ vẽ là những khoảnh khắc vô cùng quý giá với Hoàng Phượng Vỹ. Một thế giới khác như được bày ra trên mặt giấy, mặt toan, và cậu bé Vỹ say sưa phiêu lãng trong bầu trời đầy biến ảo của các sắc màu.
Quà tặng từ những chuyến đi nước ngoài của bố bao giờ cũng mang lại niềm vui cho Hoàng Phượng Vỹ, đó là những cuốn sách hội họa. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phượng Vỹ có vài tháng ôn thi tại nhà họa sĩ Phạm Viết Song để chuẩn bị cho môn vẽ thi vào trường Đại học Kiến trúc. Đây cũng là những ngày không thể quên của anh, khi bắt đầu được học một cách bài bản các kỹ thuật hội họa. Khi đã trở thành sinh viên trường Kiến trúc, môn vẽ chỉ là một môn học phụ nhưng với Phượng Vỹ, ý thức về việc vẽ, về niềm đam mê hội họa trong anh đã thực sự khởi phát. Nó giống như một ngọn lửa, khi bùng lên khi có vẻ như không tỏa sáng nhưng lúc nào cũng âm ỉ, nhen nhóm. Anh biết vậy, và anh chờ đợi. Bởi đó cũng là một thứ tình yêu, cần phải trân trọng và công bằng với nó.
Tuy nhiên công việc sáng tác hội họa chỉ thực sự được anh dấn thân từ thời gian làm công nhân xây dựng tại Hà Nội, sau khi ra trường. Anh vẽ và làm thơ, dùng màu sắc và ngôn từ để bày tỏ chính mình. Trước nỗi háo hức đến với hội họa của con trai, nhà thơ Hoàng Trung Thông vừa mừng vừa lo. Ông vẫn muốn con theo ngành kiến trúc “để cân bằng cuộc sống”, bởi là một nghệ sĩ, ông hiểu rõ những gian nan trên con đường của mình. Người nghệ sĩ, hơn bất cứ ai khác, lúc nào cũng khổ đau, day dứt trong tâm hồn, và càng tài năng thì càng cô độc. Biết vậy, nhà thơ đã lo lắng cho con từ những ngày xa xưa, khi họa sĩ Nguyễn Sáng từng có lần nói rằng Vỹ có tài vẽ, hãy để Vỹ đi theo con đường hội họa.
Nhưng có lẽ trong thẳm sâu lòng mình, người cha ấy cũng biết rằng không thể khước từ nó, nghệ thuật, nếu như ai đó thực sự có tài cùng lòng đam mê. Nghệ thuật là một thứ men say, nhưng cái say của nó khiến cho tâm hồn con người được hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Phượng Vỹ đã không chối bỏ nó, anh thậm chí đã quyết liệt dấn thân mặc dù biết rằng cái giá phải trả nhiều khi hơn cả những nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Người họa sĩ ấy đã bỏ nghề kiến trúc sư để chuyên tâm vào vẽ. Ban đầu là những bức sơn dầu, bột màu vẽ tĩnh vật, phong cảnh, chân dung thiếu nữ, vẽ minh họa cho các báo văn nghệ, rồi gần đây anh chuyển sang đề tài trẻ thơ. Những cô bé, cậu bé ôm con gà, con cá, cầm quạt, thổi sáo, những ngôi nhà, những cánh lá, con mèo, con chim…, tất cả đều sống động trong tranh Hoàng Phượng Vỹ. Song đó không đơn giản là một thế giới của trẻ thơ. Người họa sĩ không “ghi hình” thế giới đó, mà anh bày tỏ cảm xúc, suy tư, trải nghiệm của mình về nó. Trên gương mặt ngây thơ của cô bé đang ôm con gà, còn có gì đó thẳm sâu hơn, thứ đánh thức tình yêu của người xem, đánh thức kí ức và những xúc cảm khó giải thích trong họ. Bởi trên khuôn mặt được vẽ với lối sơ giản của đường nét ấy, những màu sắc vẫn âm thầm cất lên tiếng nói của chúng, không rõ ràng như một câu chuyện kể, nhưng gợi tả, gợi cảm. Nó khiến chúng ta không thị giác sự vật như cách thông thường, mà nó đánh thức cái nhìn từ bên trong và gợi mở những bí ẩn của màu sắc.
Cứ như vậy, Hoàng Phượng Vỹ đưa chúng ta vào thế giới của riêng anh. Ở đó ta có thể thấy gần gũi như bắt gặp những ảnh hình thân thuộc đâu đó giữa nhân gian, nhưng đồng thời cũng thấy mới mẻ, hấp dẫn. Tranh của Phượng Vỹ là sự kết hợp tuyệt vời giữa yếu tố dân gian và yếu tố hiện đại, giữa tính hiện thực và tính phi lý. Anh đặt cạnh nhau, trong cùng một không gian nhỏ hẹp, hai vật tách biệt, hoặc đôi khi là đặt hai không gian khác biệt cạnh nhau. Đỏ cạnh xanh, đỏ cạnh hồng, vàng cạnh nâu…, có khi là hai màu không dễ hòa sắc, nhưng nhìn tổng thể, mỗi bức tranh của anh lại rất đẹp mắt, ấm áp, sang trọng và tràn cảm xúc.
Một trong những bức như vậy được anh treo trang trọng trong căn hộ của mình, bức mang tên “Trò chơi”, từng đoạt giải thưởng mỹ thuật ASEAN năm 1998. Bức tranh vẽ những đứa trẻ đang chơi trò bịt mắt bắt dê, trên một cái nền đỏ rất ấn tượng. Một cô bé bị bịt mắt đang khua tay dò tìm đường đi và tìm những đứa trẻ khác. Phía sau lưng cô, những người bạn đang ẩn nấp. Điều đặc biệt của bức tranh là sự phối màu. Trên cái nền đỏ rực, Hoàng Phượng Vỹ không cố tìm một màu sắc nào đó cần được nổi bật lên như một tâm điểm. Màu đỏ, cam, trắng, xanh trên trang phục của cô bé cũng không quá rõ mà chìm lấp vào màu đỏ của nền, nhưng tất cả đã hòa vào nhau để tạo ra một không gian của tuổi thơ vừa thực vừa hư ảo. Thêm vào đó, đường nét vẽ trong bức tranh tưởng như đơn giản mà vô cùng tài hoa. Chúng thể hiện được sự ngây thơ, chúng mang chất thơ, gợi nhiều hơn tả…
Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hoàng Phượng Vỹ đã đoạt được nhiều giải thưởng về mỹ thuật. Ngoài giải thưởng ASEAN với bức “Trò chơi”, anh còn đoạt giải thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1992 với bức “Người đàn ông bên chai rượu”, và cùng năm 1996 đoạt hai giải thưởng cho bức tranh “Hai người”: Giải thưởng của Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô và Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam v.v… Tuy nhiên với Hoàng Phượng Vỹ, việc tham gia vào các tổ chức hay hội nọ hội kia, việc đoạt giải này giải khác chỉ là một cách để anh có cảm giác rằng mình không hoàn toàn là người ngoài lề. Bởi trong anh, luôn luôn vang lên một tiếng nói khác. Thứ âm thanh lặng lẽ đó chỉ mình anh biết, và anh vừa hoan hỉ với nó lại vừa e ngại nó. Không gọi được tên, nhưng anh biết nó là gì. Thứ gì đó giống như cô độc, như đau khổ, như hạnh phúc, như tự do.
Phượng Vỹ thường uống rượu một mình. Nhiều lần đang ở quán rượu, ý tưởng ập đến, anh chạy vội về nhà ngồi xuống bên giá vẽ. Trước tấm toan trắng, anh hân hoan đối diện với nỗi đam mê và sự quyết liệt. “Nó giống như một người bạn”, họa sĩ nói. Tôi hiểu, đó là người bạn giúp anh được trút bỏ lòng mình. Và khi ý tưởng, xúc cảm chất chứa trong lòng cần được giải phóng, thì sắc màu chính là sự tự do của người họa sĩ. Khi vẽ, Phượng Vỹ quên tất thảy mọi thứ xung quanh. Chỉ còn đó, bên giá vẽ, anh với cuộc đời đang được bắt đầu của mình.
“Khó nhất là lúc bắt đầu và kết thúc một bức tranh. Còn phút giây hạnh phúc nhất là phút giây đang vẽ, như ma mị, như có một ảo giác lôi mình đi”, Hoàng Phượng Vỹ tâm sự. Tôi hiểu vì sao anh đã bỏ nhiều thứ khác để đến với hội họa. Giữa muôn hình vạn trạng điều mà cuộc sống ban tặng, anh đã chọn vẽ, chọn rượu, chọn cô đơn như chọn sự sống. Xin được mượn hai câu thơ Phượng Vỹ viết tặng một người bạn để nói về chính anh: “Không chỉ nỗi đau/ Chìm sâu đáy cốc…”. Vâng, còn nhiều điều khác phía sau nỗi đau, phía sau ly rượu, phía sau bức tranh, còn nhiều điều khác ẩn chìm trong mỗi cuộc đời cần được con người khám phá, bằng cách của riêng mình, giống như Phượng Vỹ đã chọn cách vẽ. Anh từng nói đấy thôi: “Vẽ là cuộc hành trình đi tìm chính mình”.
Quỳnh Lâm