- Với 202,5 điểm ở chung kết nội dung 10 súng hơi nam, Hoàng Xuân Vinh không chỉ phá kỷ lục Olympic mà anh còn ghi tên mình vào lịch sử thể thao Việt Nam với tấm huy chương vàng đầu tiên. Để có được vinh quang như ngày hôm nay, xạ thủ số 1 Việt Nam đã phải trải qua tuổi thơ đầy gian khó.

Video màn thi đấu nghẹt thở của Xuân Vinh ở chung kết

Ở lượt bắn áp chót, Felipe Almeida đã hơn Xuân Vinh 0,2 điểm. Áp lực đè nặng lên vai Xuân Vinh ở lượt bắn cuối cùng. Almeida bắn đạt 10.1 điểm. Xuân Vinh bắn sau và đạt thành tích 10.7 điểm, qua đó “lội ngược dòng” giành HCV.

Tuổi thơ dữ dội

Bố Vinh là bộ đội quê Quảng Trị tập kết ra Bắc những năm 1960, mẹ là công nhân. Gia đình Vinh hồi ấy ở quê ngoại Sơn Tây. Năm Vinh lên 3 tuổi (Vinh là con cả), mẹ anh qua đời vì căn bệnh nan y. Sau đó, bố đưa Vinh và em của Vinh mới hơn 1 tuổi về Hà Nội ở trong một căn nhà nhỏ trên phố Thụy Khuê, Tây Hồ.

Những ngày ấy, cả ba bố con phải tự vật lộn với cuộc sống, tự lo lắng cho nhau khi trong nhà không có hình bóng của người phụ nữ. Tuổi thơ của Vinh khi ấy gắn với bột sắn, bột mì, ngô khoai mỗi bữa thay cơm.

{keywords}

Hoàng Xuân Vinh trải qua tuổi thơ đầy gian khó

Về Hà Nội, Vinh được người mẹ kế chăm sóc nhưng cũng chẳng được bao lâu. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, hai lần mất mẹ nên khi học hết cấp ba anh vẫn là cậu bé "cao chưa nổi mét sáu". Kinh tế gia đình quá khó khăn khiến Vinh chẳng rời được cơ cực. Tan học là anh chạy ngay về nhà làm việc phụ giúp gia đình.

Mới chỉ hơn 10 tuổi, mỗi ngày Vinh phải gánh 30-40 gánh nước từ tầng 1 lên tầng 3 để cả nhà có nước dùng. Do thiếu thốn vất vả nên trông Vinh như trái khổ qua đèo. Tốt nghiệp cấp 3 và tình nguyện nhập ngũ.

Sau khi nhập ngũ, anh thi vào Trường Sĩ quan công binh (Bình Dương), trong đó có một năm rưỡi học tập và huấn luyện tại Trường Sĩ quan lục quân II (Đồng Nai). Lúc này, những khó khăn trong cuộc sống có lúc đã khiến Vinh nản chí và muốn bỏ học để trở về với bố.

Nhưng những ngày đi lao động đốn củi, đào kênh mương, chặt mía, rẫy cỏ hạt điều... những đêm dài hành quân không ngủ và kỷ luật thép của quân đội đã khiến anh cứng cỏi và vững vàng hơn. Những năm tháng trong quân ngũ đã giúp anh trở thành một chàng trai nhiệt huyết và giàu mơ ước. Sau khi tốt nghiệp, anh nộp đơn tình nguyện ra Trường Sa. Tuy nhiên, nguyện vọng này của Vinh đã bất thành.

Niềm đam mê muộn màng

Khác với phần lớn các xạ thủ, Hoàng Xuân Vinh theo nghiệp bắn súng chuyên nghiệp khá muộn. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh, anh về làm việc tại Lữ đoàn 239 Công binh tại Thường Tín, Hà Tây. Trong quân đội, việc phải biết sử dụng súng gần như là điều bắt buộc. Hoàng Xuân Vinh được cử đi tham dự các giải phong trào và thường mang thành tích tốt về cho đơn vị.

{keywords}

Khoảnh khắc Xuân Vinh giúp quốc ca Việt Nam lần đầu được vang lên ở đấu trường Olympic

Năm 1998, tại giải bắn súng toàn quân đội, Vinh giành vị trí quán quân. Vì vậy, năm 1999, câu lạc bộ Quân đội xin Vinh về. Anh được gọi vào đội tuyển quốc gia khi đã 26 tuổi và chính thức chia tay chức vụ sĩ quan chỉ huy. Cùng năm đó, Hoàng Xuân Vinh giành huy chương đầu tiên trong sự nghiệp VÐV thể thao chuyên nghiệp, đó là HCÐ đồng đội năm 1999 ở Cúp quốc gia nội dung súng ngắn hơi nam tổ chức tại Hải Phòng. Cũng bởi vậy mà tên tuổi của Hoàng Xuân Vinh bay xa trong làng bắn súng Việt Nam. Sang năm 2000, Vinh đã đoạt HCV và phá kỷ lục quốc gia môn súng ngắn hơi 10 m nam với 580 điểm và trở thành tuyển thủ quốc gia. Sáu kỳ SEA Games liên tiếp kể từ năm 2001 cho đến 2011, không năm nào Vinh không đoạt ít nhất một huy chương vàng.

Thất bại cay đắng nhất là tại ASIAD 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc 2010, Xuân Vinh chính là kỳ vọng vàng của đoàn thể thao Việt Nam và tưởng chừng như anh đã nắm chắc chức vô địch cá nhân nội dung súng ngắn bắn nhanh khi hơn các đối thủ tới 4 điểm ở loạt bắn cuối cùng.

Thế nhưng, một phát bắn đi ra ngoài khiến anh tụt xuống hạng 13 chung cuộc. Kỳ ASIAD đó, may mà đoàn thể thao Việt Nam "giải khát vàng" bằng chức vô địch của nữ võ sĩ wushu Lê Bích Phương, nếu không có lẽ, Xuân Vinh khi đó đã trở thành tội đồ.

Chưa dừng lại ở đó, đến Olympic London 2012, với tư cách xạ thủ vượt qua vòng loại thế giới để giành suất tham dự chính thức và nếu nhìn vào thành tích, Hoàng Xuân Vinh có cửa để giành huy chương, nhưng lại lần nữa, phong độ phập phù ở thời điểm quyết định khiến anh kém xạ thủ giành HCĐ đúng 0,1 điểm. Cũng cần phải nhắc lại rằng, kỳ Thế vận hội đó, Xuân Vinh vẫn cứ là niềm hy vọng huy chương lớn nhất của thể thao nước nhà.

Tấm huy chương vàng lịch sử của thể thao Việt Nam

Đêm 6/7 theo giờ Rio de Janneiro (Brazil), Hoàng Xuân Vinh bước vào thi đấu chung kết nội dung 10m súng hơi nam.

{keywords}

Nụ cười chiến thắng của xạ thủ số 1 Việt Nam

Sự khởi đầu tốt giúp Xuân Vinh có tâm lý thoải mái ở những loạt sau. Kết thúc 6 loạt bắn với 60 viên, Xuân Vinh đạt 581 điểm, đứng ở vị trí thứ 4. Người giành điểm số cao nhất vòng loại là xạ thủ người Trung Quốc Pang Wei với 590 điểm.

8 VĐV bước vào chung kết có màn đấu trí, đấu sức rất căng thẳng. Với tâm lý vững vàng, sau 8 viên đầu tiên, Hoàng Xuân Vinh có 91,9 điểm và xếp vị trí thứ hai. Bước ngoặt của Xuân Vinh ở chung kết là khi anh có 102,2 điểm, xếp vị trí thứ nhất khi vượt qua VĐV của nước chủ nhà Brazil, Felipe Almeida. Sau đó, Hoàng Xuân Vinh tiếp tục thi đấu tốt khi dẫn đầu với 143,5 điểm. Ở loạt này, nhà đương kim vô địch Jin Jongoh bị loại, đã mang lại lợi thế tâm lý rất tốt cho xạ thủ người Việt Nam.

Sau khi chắc chắn có huy chương đồng, rồi huy chương bạc, Xuân Vinh tranh huy chương vàng với xạ thủ nước chủ nhà Brazil, Felipe Almeida.

Dù có 2 viên đạn không thực sự tốt nhưng viên đạn cuối cùng chung kết 10m súng hơi nam, Hoàng Xuân Vinh ngắm rất lâu. Cú bắn xuất thần giúp anh giành thêm 10,7 điểm, từ chỗ kém hơn đối thủ Felipe Almeda Wu 0,2 điểm vươn lên giành huy chương vàng.

Với 202,5 điểm, hơn VĐV nước chủ nhà chỉ 0,4 điểm, xạ thủ số một Việt Nam cũng phá kỷ lục Olympic. Đây là kỳ tích mà chưa từng vận động viên nào của Việt Nam làm được trong những lần tham dự Thế vận hội mùa hè.

Quỳnh Chi

Đôi nét về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh:

- Ngày sinh: 6/10/1974 tại Sơn Tây, Hà Nội. 

- Năm 1999: 25 tuổi bắn súng chuyên nghiệp 

- Năm 2000: 26 tuổi có tấm HCV và phá kỉ lục quốc gia để được gọi vào đội tuyển Bắn súng quốc gia Việt Nam

- Năm 2001: 27 tuổi giành tấm HCV SEA Games đầu tiên 

- Năm 2006: 32 tuổi tham dự ASIAD và giành HCĐ đồng đội 

- Năm 2012: 38 tuổi giành HCV châu Á và giành suất chính thức tham dự Olympic London 2012 

- Năm 2014: 40 tuổi giành HCV Cúp thế giới và phá kỉ lục thế giới nội dung súng ngắn hơi nam.

- Năm 2016: 42 tuổi giành HCV Olympic Rio, trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành HCV ở một kỳ Thế vận hội mùa hè.