Ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2015/TT-NHNN.
Dự thảo có bổ sung điều khoản “Kể từ ngày Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, phòng giao dịch Bưu điện không thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó và đến hạn trả, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn do nguyên nhân khách quan, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật”.
Để các khách hàng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) hiểu đúng tinh thần dự thảo Thông tư 43 sửa đổi, LienVietPostBank và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) khẳng định, dịch vụ tiết kiệm Bưu điện vẫn đang được cung cấp bình thường với năng lực phục vụ và chất lượng dịch vụ tốt nhất.
“Mọi thông tin và quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Khách hàng cần bình tĩnh, không nên rút trước hạn sẽ bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.
Trong mọi trường hợp, bao gồm cả trường hợp Vietnam Post thoái vốn cổ phần tại LienVietPostBank, quyền lợi của khách hàng luôn được ngân hàng và bưu điện thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật”, đại diện 2 đơn vị trên khẳng định.
LienVietPostBank và Vietnam Post cho biết các thông tin về dự thảo hiện vẫn đang lấy kiến rộng rãi các đơn vị và người dân. Điều này hiện không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện tại các Phòng giao dịch Bưu điện trên toàn quốc.
Tại các phòng giao dịch sáng 24/3, vẫn đảm bảo mọi khả năng thanh khoản, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường.
Thúy Ngà