hung ha 1.jpg
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Lý Nam Đế, xã Hồng Minh (Hưng Hà) tập huấn phần mềm học bạ điện tử.

Thay vì phải in ra giấy và ký tay toàn bộ học bạ của học sinh, giờ đây, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bùi Hữu Diên, xã Chí Hòa chỉ cần vài cú nhấp chuột là đã hoàn thành việc ký, đóng dấu học bạ trên hệ thống mà không mất quá nhiều thời gian. 

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, chủ nhiệm lớp 1C cho biết: Học bạ điện tử đã giúp chúng tôi thực hiện tốt chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu công nghệ thông tin 4.0 hiện nay.

Nhà trường đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện đồng bộ việc quản lý thông tin học sinh một cách dễ dàng trên phần mềm.

So với học bạ truyền thống, học bạ điện tử có ưu điểm là giảm áp lực sổ sách, tiết kiệm thời gian cho giáo viên. Việc phê duyệt và ký có thể thực hiện sau thao tác phê duyệt và ký nên tiện lợi, linh động, có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, nhanh chóng, rõ ràng, lưu trữ lâu dài, an toàn, dễ dàng trích xuất lúc cần.

Trong trường hợp khi cần sửa chữa học bạ điện tử, chúng tôi phải được quản trị viên cho phép nhập hệ thống trong thời gian nhất định, sau thời gian đó, chúng tôi cũng chỉ có thể xem học bạ đơn thuần như mọi phụ huynh, học sinh khác và không thể chỉnh sửa thông tin. 

Trường Tiểu học và THCS Bùi Hữu Diên có hơn 800 học sinh, nhà trường đã áp dụng học bạ điện tử cho 450 học sinh cấp tiểu học. 

Bà Nguyễn Thị Nhạn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi tham gia hội nghị tập huấn về học bạ số cấp tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo từng tổ chuyên môn; đồng thời, hướng dẫn thực hiện thí điểm cho các lớp khối 1 - 4 từ năm học 2023 - 2024.

Đến nay, chúng tôi đã nhân rộng ra toàn khối tiểu học, 100% cán bộ, giáo viên toàn trường đều sử dụng thành thục các phần mềm giáo dục và chữ ký số cho hồ sơ điện tử.

Tất cả thao tác đều được thực hiện trên hệ thống nên bảo đảm thống nhất, khoa học, chính xác, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, công khai, minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm.

Đặc biệt, phần mềm cho phép cán bộ quản lý kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc sửa chữa điểm đã nhập, cũng như các chế độ bảo mật thông tin trong sổ điểm điện tử theo đúng nguyên tắc, quy trình, tránh tuyệt đối tình trạng “cấy” điểm và chỉnh sửa học bạ. 

Với Trường Tiểu học Lý Nam Đế, xã Hồng Minh, đến thời điểm này 100% học sinh đã được tạo lập hồ sơ qua phần mềm học bạ điện tử. 

Cô giáo Trần Thị Luyến cho biết: Hiện nay chúng tôi đều thành thạo việc nhập thông tin, thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh vào học bạ điện tử.

Hằng tháng, giáo viên cập nhật thông tin, gửi nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh để phụ huynh có thể truy cập tra cứu kết quả học tập của học sinh một cách dễ dàng, để theo dõi được tình hình học tập của con em mình, từ đó phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý, giáo dục các em kịp thời. 

Hung ha_22084129102024.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Lý Nam Đế, xã Hồng Minh được tạo lập hồ sơ qua phần mềm học bạ điện tử. 

Ngành giáo dục Hưng Hà đang nỗ lực triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học. Trong đó, học bạ điện tử được triển khai tại 35 trường có cấp tiểu học trên địa bàn huyện.

Các nhà trường đã và đang tích cực làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để bổ sung các trang thiết bị, phòng máy, đường truyền... nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu ngành một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Học bạ điện tử được chúng tôi thí điểm từ năm học 2023 - 2024 ở một số trường có cấp tiểu học. Các trường học đã phối hợp với các nhà mạng cấp chữ ký số cho 100% trường học và cá nhân cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia thí điểm học bạ điện tử. Đồng thời, 100% các trường đã đăng ký, khởi tạo, nhập dữ liệu, ký số học bạ từ lớp 1 - 4 trong năm học 2023 - 2024. Hiện tại, các trường đều thành lập ban quản trị phần mềm học bạ điện tử; hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý mọi tài khoản sử dụng phần mềm học bạ điện tử tại đơn vị, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo mật tài khoản, các quy định về cập nhật điểm số và các thông tin khác của giáo viên, học sinh vào cơ sở dữ liệu của nhà trường. Để việc triển khai học bạ điện tử phát huy hiệu quả, các trường học trên địa bàn huyện đang tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp quản lý đến trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin của giáo viên. Cùng với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số bảo đảm đồng bộ, tạo cơ sở quan trọng để triển khai đại trà học bạ điện tử của cả 3 cấp học theo kế hoạch trong năm học 2024 - 2025 trên địa bàn toàn huyện.     Ông Lê Quốc Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà

Việc triển khai học bạ điện tử là động lực để ngành giáo dục Hưng Hà tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến nền giáo dục hiện đại, chất lượng, hiệu quả. 

Theo Thanh Thủy (Báo Thái Bình)