LTS: Mâu thuẫn giữa TQ và Nhật Bản về tranh chấp lãnh hải luôn là một trong những vấn đề nóng trong quan hệ quốc tế. Dưới đây là nhận định của PGS Lyle J. Goldstein, Viện nghiên cứu Hàng hải TQ, thuộc trường Hải quân Hoa Kỳ, về chiều hướng giải quyết mâu thuẫn này trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật - Hoa Kỳ.
Do căng thẳng giữa TQ và Nhật Bản, biển Hoa Đông thực sự được cho là nơi nguy hiểm nhất hành tinh. Trường hợp dễ xảy ra là một trong các tàu tuần tra biển của bên này hoặc bên kia khi tuần tra các đảo tranh chấp bỗng nhiên bị bắn và bùng nổ thành một sự kiện gây tổn thất nghiêm trọng (như kiểu đã xảy ra gần đây tại biển Nam Trung Hoa). Khi đó, giao tranh giữa hai bên sẽ phát triển từ đấu súng đến tên lửa và thậm chí là trở thành các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các cơ sở chính yếu và tất cả nhanh chóng biến thành chiến tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, thật may có một số diễn biến dường như đã làm dịu quan hệ song phương cực kỳ căng thẳng này. Các tiếp xúc ngoại giao thực chất ở cấp thấp gần đây xuất hiện là nhờ những ý kiến thúc đẩy mạnh mẽ chính sách đối ngoại của TQ nhằm kiềm tỏa hai cường quốc Đông Á này.
Quan hệ Trung Nhật dường như đã rơi vào bế tắc sau 'vụ tàu cá' năm 2010. Kể từ đó, quan hệ hai bên đã "chao đảo" do TQ liên tục tiến hành tuần tra hàng hải, thậm chí là sử dụng máy bay không người lái tại những vùng phụ cận của các đảo tranh chấp. Các hành động này là nhằm trả đũa việc Tokyo mua lại đảo tranh chấp vào tháng 9/2012.
Tiếp theo động thái nói trên, TQ tiếp tục leo thang tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) đối với biển Hoa Đông và các đảo tranh chấp dẫn đến việc Washington nhanh chóng phản ứng bằng cách gửi nhiều máy bay ném bom bay qua vùng nhận diện này. Năm 2014, có ít nhất hai vụ va chạm nguy hiểm của máy bay quân sự Trung Nhật. Những va chạm tương tự cũng xảy ra với máy bay Hoa Kỳ.
Tàu của cả Nhật và TQ được nhìn thấy gần khu vực tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku vào ngày 10/9/2013. Ảnh: Reuters |
Dấu hiệu cải thiện?
Tuy nhiên, hiện nay dấu hiệu cải thiện khá rõ ràng. Nổi bật là Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe đã không đến thăm chùa Yasakuni vào ngày 15/8 năm nay. Vào giữa tháng 9, một hội nghị ba bên gồm các quan chức ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc, Nhật Bản và TQ được tiến hành tại Seoul. Mới đây, bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ tại New York, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc gặp không chính thức.
Rõ ràng, những diễn biến này thể hiện sự nỗ lực cải thiện quan hệ song phương trước chuyến thăm Bắc kinh của Thủ tướng Nhật Bản nhân Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng tiến hành một số bước đi đối với Tokyo. Trong bài báo tiếng Hoa của Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản, Giáo sư Thời Ân Hoằng đề xuất sơ bộ cách kiến tạo một cách tiếp cận mới. Mặc dù ông là học giả phi đảng phái trong giới tinh hoa về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, nhưng bài viết của ông trên Tạp chí nói trên được coi là một văn bản định hướng của Viện Hàn lâm KHXH Trung Quốc do vậy bài báo này cần được xem xét một cách thấu đáo.
Trong phần mở đầu, bài báo có giọng điệu khá hùng hồn thậm chí là hiếu chiến. Đầu đề bài báo cho thấy tác động "tiêu cực" của Tokyo đối với quan hệ Trung - Nhật. Ông cho rằng Nhật chủ yếu xây dựng chiến lược xem TQ là "đối thủ", đồng thời bày tỏ quan ngại khi Nhật Bản gần đây mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Trong phần kết luận ông nhấn mạnh: "rõ ràng là Nhật đang sử dụng tranh chấp chủ quyền để cản trở sự phát triển năng động của TQ". Ông không phản đối mà đi theo lý thuyết hiện hành "không muốn gây hấn, nhưng cũng không sợ bị khiêu khích...". Ông cho rằng việc bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ cho Nhật Bản là "quá giả dối".
Tuy nhiên, ở phần chính của bài báo, tác giả Thời Ân Hoằng lại đột ngột thay đổi quan điểm. Phần mở đầu hiếu chiến trong bài báo chỉ là bình phong cho ý muốn xoa dịu quan hệ Trung - Nhật, ông cho rằng mục tiêu chiến thuật cô lập Nhật Bản không thể được xem là vấn đề bao trùm trong chính sách của TQ. Ông chất vấn "đâu là lợi ích?" trong việc tranh chấp với Nhật Bản khi hậu quả cuối cùng đều dẫn đến mối quan hệ thù địch.
Tác giả Thời Ân Hoằng đưa ra nhận định khá bất ngờ trong bối cảnh của TQ khi cho rằng rất nhiều người chỉ nghĩ và nói một chiều về căn nguyên chính trị của mâu thuẫn Trung Nhật, như thể chỉ có vấn đề Nhật Bản là quan trọng, trong khi lại né tránh hoặc bác bỏ thảo luận về tình hình chính trị nội bộ của TQ. Nhận xét thẳng thắn đáng lưu ý này của ông có thể hiểu là cách chỉ trích nhằm vào chính sách hiện hành cũng như nhiều đồng nghiệp trong giới tinh hoa về chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh - những kẻ lợi dụng chính sách đối ngoại để làm chính trị.
Ông cương quyết khuyến nghị TQ cần cố gắng tránh xung đột quân sự trên biển và trên không trong vùng biển Hoa Đông, đồng thời cho rằng TQ phải tiếp tục tuần tra biển ở vùng phụ cận đảo Điếu Ngư/ Senkaku nhưng cần "linh hoạt" trong việc thực thi ADIZg. Ông nhấn mạnh rằng Nhật Bản có vai trò quan trọng nhất định trong chính sách của TQ, do vậy quan hệ Trung Nhật cần được bình ổn.
Đối với tranh chấp lãnh hải, ông khuyên Bắc Kinh nên kiên nhẫn và tích cực tìm kiếm các điều kiện giải quyết bằng thương lượng. Để làm rõ hơn lập luận này, ông cho rằng Hoa Kỳ đang lợi dụng những bất ổn lâu dài giữa TQ và Nhật Bản, đồng thời cho rằng quan hệ TQ với Hoa Kỳ không thể êm xuôi nếu quan hệ Trung - Nhật vẫn trong khủng hoảng.
Cuối bài viết, ông khẳng định việc tranh chấp những hòn đảo không thể bao trùm toàn bộ quan hệ Trung- Nhật... và chỉ ra hai sự kiện kỷ niệm sắp tới vào năm 2015 và 2017 sẽ tạo cơ hội cho Bắc Kinh và Nhật Bản chuyển hướng sang quan hệ tích cực và phát triển hơn.
Tuy nhiên, ở TQ nhiều học giả vẫn đưa ra những quan điểm khoa trương kích động, thậm chí là đối đầu về quan hệ Trung - Nhật. Bài báo gần đây trong Tạp chí Chính trị và Kinh tế Thế giới đã đả kích các diễn biến mới về quân sự và ngoại giao liên quan đến an ninh châu Á - Thái Bình Dương (hợp tác Hoa Kỳ + Nhật Bản +1).
Rõ ràng, tiếp cận mang tính xây dựng của Thời Ân Hoằng ở đây là một đột phá đáng hoan nghênh so với các tư tưởng gay gắt thường thấy ở Bắc Kinh về chính sách của TQ với Nhật Bản.
Giáo sư Wang của Trường Đại học Bắc Kinh trong bài viết trên Thời báo New York ngày 11/9/2014 cũng có một nhận xét quyết đoán khi cho rằng lịch sử có rất ít tiền lệ cho một nước lớn buộc một nước lớn khác phải "quỳ gối", do vậy có thể hy vọng Bắc Kinh bắt đầu chú ý đến những quan điểm hòa hoãn hơn.
Mai Linh (theo National Interest)
Xem thêm các bài:
Vùng phòng không TQ: Sau Hoa Đông sẽ "xử" biển Đông? Liệu sau Hoa Đông, Trung Quốc có thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ - Air defense identification zone) tương tự tại biển Đông? Nhật Bản tái vũ trang: 'Điềm' lành hay gở? Thực ra thủ tướng Nhật Bản Abe đã tranh thủ được các điều kiện mới của thế giới và khu vực để cụ thể hóa chính sách tái vũ trang của mình. TQ tạo "thiên thời" cho Nhật Bản phòng vệ tập thể Những hành vi nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền biển đảo phục vụ mục tiêu bành trướng của TQ đã vô hình trung tạo “thiên thời” cho Nhật Bản. Mỹ - Nhật cần 'bắt tay' đối phó TQ? Để cân bằng lại các nỗ lực hiện đại hóa của quân đội TQ, kế sách tốt nhất mà Mỹ - Nhật có thể làm là tìm ra các địa hạt có thể bắt tay với nhau. |