PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và chỉ còn 11,6% vào năm 2020 (theo số liệu giám sát dinh dưỡng hàng năm). Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng giảm về mức 9,5%. Đây là thành quả tích cực của chiến dịch bổ sung viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống.

W-hocsinhvnn35uongvitamin.png
Học sinh tại Ninh Bình được cán bộ y tế cho uống vitamin A, tháng 12/2023. Ảnh minh họa

Vitamin A giúp tăng cường thị lực, bảo vệ chống lại một số bệnh về mắt trong điều kiện thiếu ánh sáng và có vai trò tạo sắc tố võng mạc, giúp mắt có thể quan sát được. Đối với biểu hiện giảm khả năng quan sát lúc ánh sáng yếu, hay còn được gọi là “quáng gà” chính là hiện tượng thiếu vitamin A ở trẻ.

Ngoài ra, vitamin A giúp cơ thể trẻ tăng trưởng và hỗ trợ quá trình phát triển xương, phát triển cơ thể ở trẻ. Trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và giảm tiết chất nhầy, tăng ức chế sự sừng hóa, khiến mắt trẻ bị khô, da trở nên sần sùi, nứt nẻ nếu thiếu vitamin A.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường rất cao

Tuy nhiên, PGS Mai cũng cho biết chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng (tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì), kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả …) và thiếu hoạt động thể lực.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (tỷ lệ này là 19,6% theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trẻ em còn ở mức có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Cụ thể tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6% và vẫn còn 58% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm (theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020).

Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.

Việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên là đặc biệt quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.

Do vậy, theo các chuyên gia, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, đặc biệt là các gia đình, nhà trường và bản thân các học sinh về vai trò dinh dưỡng hợp lý; các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác dinh dưỡng.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV