Cách đây 69 năm, vào ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kì suốt chín năm của dân tộc. 69 năm trôi qua nhưng ngày giải phóng Thủ đô vẫn luôn là mốc son chói lọi trong tâm khảm người dân Việt Nam.

Như thường lệ vào các ngày lễ lớn, Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ tổ chức các buổi mít tinh kỉ niệm. 

Sáng 9/10, sau lễ chào cờ đầu tuần, chương trình kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023) do cô, trò trường THCS Trưng Vương tổ chức đã diễn ra long trọng. 

anh tin truong trung vuong.jpeg
Ảnh: Ngô Huyền

Đầu tiên là bài hát “Tiến về Hà Nội” do tốp ca nam nữ của các lớp 8A2, 8K1, 8I, 8H1 biểu diễn. Học sinh nam được khoác lên mình trang phục của các chú bộ đội. Còn các nữ sinh mặc những chiếc váy hoa duyên dáng. Giai điệu và ca từ cất lên cùng với động tác duyệt binh của “các chú bộ đội khối 8” đã thể hiện được không khí hào hùng của nhân dân ta khi thắng lợi.

Sau đó là phần giới thiệu sách của các bạn lớp 8A2. Cuốn sách mà các em mang đến đó là cuốn “Hà Nội, ngày ấy…”. Sân trường im phăng phắc lắng nghe các bạn giới thiệu, thế hệ trẻ như được sống lại những giây phút lịch sử hào hùng của 69 năm về trước.

Tiếp đến là phần trò chơi của các bạn lớp 8H. Những câu hỏi về chủ đề ngày giải phóng Thủ đô cùng với những phần quà lần lượt được trao cho các bạn học sinh dưới sân trường. Nhiều cánh tay giơ lên kèm theo những tiếng reo hò cổ vũ, không khí thật náo nhiệt. Tiết mục cuối cùng là ca khúc “Hà Nội của chúng em” do tốp ca nữ biểu diễn để lại nhiều cảm xúc lắng đọng cho toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường.

Đây là chương trình kỉ niệm mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhớ những hy sinh gian khổ của quân, dân Thủ đô, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

Hoạt động của nhà trường nằm trong chương trình giáo dục bộ quy tắc ứng xử trong trường học, hướng các em học sinh tới những giá trị lịch sử tốt đẹp của truyền thống dân tộc, đất nước. 

Qua chương trình, các em học sinh được tìm hiểu và ôn lại trang sử hào hùng của Thủ đô, thêm yêu mến, tự hào về Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" cho thế hệ trẻ hôm nay. 

 Ngô Huyền