Hàng trăm ý tưởng, dự án sáng chế khoa học độc đáo đã được các học sinh giới thiệu tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018.
Ngày 10/3, Bộ GD-ĐT khai mạc Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 tại Nghệ An.
Năm học 2017-2018 là năm thứ 6 Bộ GD-ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc.
Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kĩ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đồng thời góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục.
Cuộc thi cũng nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh. Qua đó, tạo cơ hội để học sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kĩ thuật; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi năm nay thu hút đông đảo giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia với tổng 488 dự án ở 22 lĩnh vực, 882 học sinh tham dự, tăng 30 dự án so với năm học trước.
Tại khu vực phía Bắc, cuộc thi diễn ra từ ngày 10-13/3 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An với 34 đơn vị dự thi tham gia (30 Sở GD-ĐT và 4 trường đại học).
Tại đây nhiều sản phẩm đã được giới thiệu như: Cộng đồng LGBT - nhận thức và ứng xử của học sinh THPT, ngôn ngữ viết và biểu tượng nút Like trên mạng xã hội Facebook của học sinh THPT vùng trung du và miền núi phía Bắc, Hệ thống những giải pháp và 15 quy tắc vàng giúp học sinh THCS phòng tránh xâm hại tình dục, Nâng cao kỹ năng phòng chống nạn xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ khai mạc |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học đảm bảo thực chất; chuẩn bị tích cực cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới mà STEM là một định hướng quan trọng. Vì vậy, Bộ đã sửa đổi, bổ sung Quy chế thi cấp quốc gia, bảo đảm đánh giá đúng vai trò chủ động và sự đóng góp của chính học sinh vào dự án nghiên cứu, kết quả nghiên cứu không phải là tiêu chí duy nhất đánh giá năng lực nghiên cứu của học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng hy vọng thông qua hoạt động này, xã hội có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.
"Các trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ cần xem kết quả cuộc thi là nguồn tài nguyên tốt để lựa chọn, sử dụng, bao gồm tài nguyên con người - là học sinh để tuyển sinh), các ý tưởng khoa học - để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, các sản phẩm công nghệ - để tiếp tục hoàn thiện, phát triển thành thương phẩm… Đây chính là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và doanh nghiệp…, tạo môi trường phát triển tốt cho giáo dục và đào tạo", Bộ trưởng nói.
Tại khu vực phía Nam, cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 17-20/3 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với 34 đơn vị dự thi tham gia (32 Sở GDĐT và 2 trường đại học).
Những đề tài tốt nhất sẽ được chọn để tham gia hội thi Intel ISEF tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới.
Thanh Hùng
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về số giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế
Ngày 24/5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ đón và trao giải cho đoàn học sinh Việt Nam tham dự hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF năm 2017. Năm nay, đoàn Việt Nam giành được 1 giải Ba và 4 giải Tư ở hội thi này.