Ngày 1/10, tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời.
Thứ trưởng GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, cho hay học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết. “Thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người.
Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế để ai cũng được học tập. “Luật để tạo thúc đẩy, luật là để được làm, luật là để phải làm và phải làm theo. Luật Học tập suốt đời sẽ có chế tài cho việc được đi học và phải đi học”, Thứ trưởng nhận định.
Tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Vũ Thị Tú Anh cho biết, mặc dù học tập suốt đời là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội nhưng hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm học tập suốt đời chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản chính thức nhà nước, đồng thời cũng chưa được hiểu thống nhất trong các nghiên cứu, hoạt động hoạch định chính sách và trong thực tiễn.
Luật Học tập suốt đời cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng về học tập suốt đời và xã hội học tập, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 29. Đây được xem là một văn bản luật có vị trí độc lập tương đối với các luật chuyên ngành khác về lĩnh vực giáo dục như Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sắp tới là Luật Nhà giáo. Luật Học tập suốt đời bổ sung, mở rộng và hoàn thiện các vấn đề về lĩnh vực học tập suốt đời chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trong Luật Giáo dục 2019 và các luật khác về giáo dục.
Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng đây có thể là “cuộc cách mạng thay đổi giáo dục và đào tạo”, bởi nếu có luật sẽ thay đổi nhận thức của cả xã hội về học tập suốt đời. Do đó, tư tưởng và nhận thức vai trò của luật phải được thông suốt từ trung ương tới địa phương.
Còn theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng ĐH Thái Nguyên, trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu hiện nay, vấn đề xây dựng Luật Học tập suốt đời cần phải thực hiện ngay và không thể chậm hơn được. Bởi mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người, tạo điều kiện và dẫn dắt cho mọi người được học tập khi môi trường của giáo dục hiện nay là môi trường mở, linh hoạt và không giới hạn.
Nhìn nhận tầm quan trọng, cần thiết của Luật Học tập suốt đời, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn Phan Mỹ Hạnh nêu quan điểm cần sự thống nhất chặt chẽ để đảm bảo sự liên thông trong giáo dục, giúp cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các cấp cũng như các hình thức, mô hình trong quá trình giáo dục.
Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích đối với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện cung cấp các chương trình cho người học cũng như đảm bảo quyền bình đẳng được tiếp cận giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, và người yếu thế.
Đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là luật mới với nhiều nội dung mới, đối tượng tác động rộng lớn, phương thức đa dạng, chương trình phong phú, thực hiện mong muốn của nhiều bên và phải tránh được sự chồng chéo của các luật đã ban hành nên cực kỳ phức tạp.
Vì vậy, Thứ trưởng đề xuất việc thành lập một ban nghiên cứu về xây dựng luật riêng, đặc biệt là việc nghiên cứu thực tế triển khai tại địa phương, tiếp thu ý kiến của tất cả các đối tượng được điều chỉnh, thụ hưởng bởi luật này, đồng thời, nghiên cứu nội dung, tính khả thi, tác động của các chính sách, điều khoản với thực tế tại Việt Nam.