Một trong những việc làm đáng ghi nhận là trong dịp Đại hội Đảng các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, không còn cảnh cả đoàn thiếu nhi tưng bừng, rộn ràng “cờ đèn kèn trống” vào trong hội trường chúc mừng Đại hội.
Trước đó, trong dịp tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc (tháng 12/2020) tại Hà Nội, Ban tổ chức Đại hội cấp Trung ương cũng không tổ chức đoàn chủ tịch, đoàn thư ký trên bục danh dự như trước.
Vào dịp đầu năm 2020, Ban Bí thư đã ban hành công văn số 77-CV/TƯ, yêu cầu lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy, đơn vị sự nghiệp Trung ương về thực hành tiết kiệm trong việc tặng hoa chúc mừng. Theo đó, lãnh đạo cấp cao không tặng hoa với tư cách cá nhân đối với các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong dịp sinh nhật và Tết Nguyên đán; không tặng hoa khi đón, tiễn các lãnh đạo đi cơ sở và đến dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị, họp mặt tại ban, bộ, ngành, địa phương.
Theo dõi các sự kiện trong đời sống chính trị thời gian gần đây, chúng ta thấy Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới về tổ chức nghi thức, nghi lễ theo hướng quy củ, gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn bảo đảm sự trang nghiêm. Ảnh Nguyễn Liên |
Mấy năm gần đây, khi có lãnh đạo cấp cao đến thăm, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân cũng không còn thấy quang cảnh hội trường tiếp khách được trang hoàng thảm đỏ, cờ hoa rực rỡ và câu khẩu hiệu “Nhiệt liệt chúc mừng...” được ghi trang trọng, nổi bật trên cổng chào, màn phông nữa.
Ngay cả việc cán bộ lãnh đạo đi găng tay trắng cầm cán xẻng cuốn giấy xanh đỏ lòe loẹt tham gia Tết trồng cây ở một số địa phương, đơn vị - một căn bệnh hình thức đã được người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta từng phê bình là trông rất phản cảm, không phù hợp với tính chất công việc của người trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường. Vì tác phong đó dễ xa dân, đồng thời cũng dễ làm dân... xa lánh!
Từ trong truyền thống, người Việt vốn trọng lễ nghĩa, nghi thức, ưa thích sự chỉn chu bên ngoài. Cái hay của đặc điểm tâm lý này là dễ tạo thiện cảm ban đầu cho người tiếp xúc, giao lưu. Nhưng sự chu toàn thái quá dễ sinh ra hào nhoáng, rườm rà không cần thiết. Nhất là trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống thời văn minh trí tuệ khác rất xa so với xã hội nông nghiệp cổ truyền trước đây, thì sự đổi mới tổ chức nghi thức, lễ nghĩa là việc rất cần thiết, cần làm trong đời sống chính trị.
Theo quan điểm triết học mác xít, hình thức tuy phản ánh cái bên ngoài song cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên và thể hiện nội dung của sự vật, hiện tượng. Do đó, việc thay đổi hình thức không phù hợp sẽ góp phần làm thay đổi tính chất nội dung theo hướng tích cực, tiến bộ hơn.
Chính vì vậy, chúng ta vui mừng khi nhận thấy các cấp lãnh đạo chủ động, chú trọng thay đổi những “tiểu tiết” không cần thiết để vì “đại cục” tốt hơn; kiên quyết cắt bỏ những thủ tục, nghi thức rườm rà và những việc làm hình thức, phô trương không phù hợp với nếp sống văn hóa mới. Những việc làm đó cũng không ngoài mục đích nhằm hiện thực hóa việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về tác phong quần chúng giản dị, trọng dân, thân dân, vì dân.
Nguyễn Liên