Tin học - bước đệm quan trọng giúp trẻ hội nhập sớm

Trước đây, nhiều người chỉ hình dung tin học là học cách sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản, thực hiện thao tác bảng tính, trình chiếu hay sử dụng Internet. Tuy nhiên, theo chia sẻ của GS.Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới thì môn Tin học trong chương trình mới sẽ giới thiệu đến học sinh một số chuyên đề được chọn lọc từ chương trình Tin học phổ thông của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như: Khoa học máy tính, internet vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo…nhằm giúp các em có được những hình dung, hiểu biết cơ bản về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, nó cũng giúp trang bị cho học sinh năng lực hiểu biết và ứng xử phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa, pháp luật trong môi trường số hóa; năng lực học tập và tự học tập với sự hỗ trợ của các hệ thống ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông…

GS.Thuyết cho biết, Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới xác định, môn Tin học giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa, hỗ trợ đắc lực học sinh tự học và tập nghiên cứu, tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả các môn học.

Với những tính năng và lợi ích mang lại cho học sinh, môn học này cho thấy vai trò của nó đối với sự phát triển của học sinh trong hành trình kiếm tìm và mở mang tri thức. Với những chuyên đề hiện đại, tiên tiến, cập nhật kịp thời với xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, có thể nói, môn Tin học sẽ là một bước đệm quan trọng mở ra cánh cửa giúp trẻ hội nhập sớm.

Học trực tuyến - phương pháp thích nghi và khám phá CNTT

Tại Chương trình tư vấn kỹ năng học đường “Kỹ năng hội nhập toàn cầu và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” năm học 2018 - 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM và Trường ĐH FPT tổ chức hồi đầu năm 2019, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều ngành nghề đã và đang thay đổi. Chúng không hề mất đi mà chỉ thay đổi cách vận hành. Trong xu thế đó, người học không thể giữ mãi những tư duy và kỹ năng cũ kỹ mà phải thay đổi để thích nghi và hòa nhập…

{keywords}
 

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có sức ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi những con người có khả năng làm chủ công nghệ, nhanh nhạy và khả năng xử lý thông tin tốt. Muốn vậy, các em cần có nền tảng căn bản về Tin học trước khi nghĩ tới một vấn đề xa xôi hơn; cùng với đó, cũng cần thay đổi cách học, từ thụ động sang chủ động, từ tương tác một chiều thành tương tác đa chiều mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển này.

Thích ứng với sự dịch chuyển trong phương pháp dạy và học đó, ngày nay, bên cạnh các giờ học truyền thống, nhiều phụ huynh lựa chọn cho con phương pháp học trực tuyến. Với tính chủ động cao, khả năng đáp ứng nhu cầu linh hoạt về thời gian, địa điểm, khối lượng kiến thức phù hợp với từng đối tượng, phương pháp học tập này tỏ ra được lòng người dùng và ngày càng thu hút khối lượng học viên theo học lớn. Nhiều bậc phụ huynh cũng cho rằng, phương pháp học tập trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho các con được tiếp xúc với thế giới công nghệ sớm thông qua việc sử dụng máy tính và Internet .

“Hè này, để con có thời gian đi học ngoại khóa, mình đăng ký cho con một khóa tiếng Anh trực tuyến của một Trung tâm có tiếng và khóa Học tốt của Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Với chương trình này, hai mẹ con vừa không phải vất vả đi lại, mà trong hè con vẫn có thể vừa chơi vừa ôn tập, duy trì nề nếp học một cách nhẹ nhàng. Qua thời gian học, mình quan sát thấy khả năng sử dụng máy tính để chủ động trong tìm kiếm và thu thập thông tin qua internet của con tốt hơn hẳn. Mình nghĩ, với cách này, con không chỉ được nâng cao về mặt kiến thức các môn học mà còn mở rộng cơ hội cho con tiếp xúc sớm với Tin học và cao hơn nữa là CNTT” - chị Minh Hà, phụ huynh của bé An Nhiên, học sinh lớp 6 tại một trường THCS tại Cầu Giấy chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra lo lắng với việc con cái được tiếp xúc với máy tính sớm sẽ khó kiểm soát, đặc biệt là trong môi trường mạng phức tạp như hiện nay.

Chị Minh Hà bày tỏ, không phải chị không lường tới vấn đề ấy; tuy nhiên, chị hạn chế việc đó bằng cách đồng hành cùng con trong mỗi giờ học và cũng có những thỏa thuận, quy định về giới hạn thời lượng sử dụng máy tính trong một ngày.

Nói về vấn đề này, thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên bộ môn Toán - Vật lý, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, cho rằng, nếu được làm quen với máy tính từ Tiểu học sẽ giúp các con bộc lộ được đam mê (nếu có) hoặc ít nhất cũng có hiểu biết căn bản về công nghệ. Điều này rất tốt cho sự phát triển của các con bởi CNTT sẽ kích thích tính tò mò, giúp học sinh tư duy tốt và yêu khoa học. Việc học trực tuyến cũng là một trong những cách giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với máy tính, tìm kiếm thông tin, tự học…

Tuy nhiên, thầy Thắng cũng nhấn mạnh, phụ huynh cũng nên hướng dẫn, đồng hành cùng con bởi trên thực tế, môi trường internet khá phức tạp và các con dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi những trào lưu không phù hợp.

PV