Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trong cuộc làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông sáng nay, 10/8.

Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, với một thương hiệu nhà trường có uy tín và bề dày như Học viện, chất lượng đào tạo luôn phải được đặt hàng đầu, coi như "yếu tố then chốt" để nâng tầm uy tín của Học viện.

{keywords}
Bộ trưởng yêu cầu chất lượng đào tạo luôn phải được đặt lên hàng đầu. Ảnh: T.C

"Khoa học công nghệ hiện nay thay đổi rất nhanh, đòi hỏi sự thay đổi vươn lên mạnh mẽ từ các trường Đại học, các cơ sở đào tạo, nhất là với những trường thuộc Tốp trên như Học viện. Học viện cần tiếp tục có những giải pháp, định hướng căn cơ để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, kỳ vọng của xã hội, xứng tầm với vị thế là Trường đại học công lập thuộc Bộ TT&TT", Bộ trưởng nêu rõ. "Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược để Việt Nam có thể phát triển thành một nước mạnh về CNTT - VT trong khu vực. Do đó, việc trở thành cơ sở đào tạo nhân lực CNTT - VT chất lượng cao chủ lực là một trọng trách đặt ra cho Học viện".

Vận hành tốt theo mô hình tự chủ

Đánh giá cao hoạt động của Học viện thời gian qua, Bộ trưởng chia sẻ, đào tạo là lĩnh vực ông đặc biệt quan tâm, do tính chất quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của ngành Thông tin & truyền thông. Ông ghi nhận Học viện đã có những bước phát triển quan trọng trong công tác đào tạo sau khi chuyển giao từ Tập đoàn VNPT về Bộ quản lý, như đã tuyển dụng, tăng cường thêm nguồn lực giảng viên chất lượng cao, trong đó nhiều giảng viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài; Tổ chức thành công kỳ tuyển sinh năm 2015 dù đây là kỳ tuyển sinh có nhiều biến động lớn về quy chế.

Đặc biệt, Học viện đã triển khai tốt mô hình hợp tác, kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp. Đây là một điểm rất quan trọng, theo Bộ trưởng, vì sự kết nối này không chỉ đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn để tạo đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp. Với việc mở và tổ chức tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực Báo chí và Truyền thông (Ngành Truyền thông Đa phương tiện thuộc Nhóm ngành Báo chí và Truyền thông), PTIT đã trở thành đơn vị thứ hai trên cả nước có đào tạo ngành này, góp phần nâng cao vị thế của Học viện và giúp bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng tốt phục vụ phát triển ngành.

{keywords}
Bộ trưởng tham quan phòng lab phát triển ứng dụng di động của Học viện. Ảnh: T.C

Hướng tới đào tạo theo chuẩn quốc tế

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó thì thách thức đặt ra cho Học viện cũng không ít. Một trong số đó chính là nguy cơ chảy máu chất xám.

"Học viện cần nghiên cứu chính sách ưu đãi hiền tài để thu hút nhân tài. Nếu làm không khéo thì không những ta không thu hút được mà còn bị mất giảng viên giỏi. Học viện cần rất lưu ý điểm này, xem xét đề xuất cơ chế đặc thù để giữ chân người giỏi", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo.

{keywords}
Bộ trưởng hỏi thăm các ứng viên tại bàn tư vấn tuyển sinh của Học viện. Ảnh: T.C

Đồng thời, để Học viện tiếp tục phát triển bền vững, ông yêu cầu Học viện phải xác định rõ mục tiêu trước mắt, trung hạn và lâu dài; Xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển phù hợp; các định hướng về đào tạo, mở ngành như có mở thêm ngành hay không? Duy trì các ngành hiện có ra sao? Định hướng về khoa học và công nghệ như thế nào? Cơ chế phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên chất lượng cao ra sao?

Yêu cầu Học viện phát huy kết quả tuyển sinh 2015 để làm tốt đầu việc tuyển sinh cho năm học 2016-2017, Bộ trưởng đã nêu ra nhiều chỉ đạo cụ thể cho công tác đào tạo của Học viện: "Học viện cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế thông qua việc tăng cường hợp tác với các nước có nền giáo dục hiện đại, nhất là mở rộng quan hệ với những đại học uy tín thế giới trong lĩnh vực CNTT - VT; Trường cũng cần khai thác tích cực mô hình hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp hơn nữa, chú trọng phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, chọn lọc hướng nghiên cứu khoa học, phát triển các sản phẩm có khả năng ứng dụng vào thực tế...

"Làm sao để sinh viên Học viện ra trường được xã hội, doanh nghiệp chào đón? Làm sao để giảng viên, sinh viên Học viện luôn được các trường khác tôn trọng, đánh giá cao?", ông nêu đề bài.

"Trong quá trình tái cơ cấu, Học viện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, các quy trình, quy chế, vừa phải làm tốt công tác đào tạo. Bộ sẽ luôn theo dõi, ủng hộ, chỉ đạo kịp thời và tạo mọi điều kiện để Học viện triển khai tốt các hoạt động, đạt kết quả cao trong việc giảng dạy và học tập, phấn đấu trở thành một trong những cơ sở đạo tạo hàng đầu trên cả nước", Bộ trưởng chia sẻ.

Trước đó, Giám đốc Học viện Vũ Văn San đã báo cáo sơ bộ tình hình nhà trường như quy mô đào tạo, số lượng sinh viên, các chuyên ngành đào tạo, công tác tuyển sinh năm 2016.

Tính đến hết tháng 6/2016, tổng số học viên, sinh viên đang học tại Học viện là hơn 14.700; trong đó có 12.501 sinh viên đại học chính quy; hiện Học viện đã tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ; 5 chuyên ngành trình độ Thạc sĩ; 9 ngành đào tạo đại học chính quy, 3 ngành đại học liên thông, 3 ngành đại học Bằng 2....

Đáng chú ý, khoa Đa phương tiện được nhà trường thành lập và bắt đầu tuyển sinh đợt 1 năm ngoái được đánh giá là Khoa đào tạo mang tính chất đón đầu cả lĩnh vực công nghệ lẫn lĩnh vực truyền thông báo chí, khi có 2 ngành đào tạo là Công nghệ Đa phương tiện và Truyền thông đa phương tiện.

Trọng Cầm