Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ ngành lấy ý kiến việc tiếp tục triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh sau nhiều năm bất động.

Mỏ sắt Thạch Khê: Bất động kéo dài, tương lai mờ mịt

Văn bản của Văn phòng Chính phủ phát hành ít ngày sau khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trình Thủ tướng việc tiếp tục triển khai mỏ sắt được cho là “lớn nhất Đông Nam Á” này.

Theo TKV, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được Hội đồng quản trị Công ty CP mỏ sắt Thạch Khê (TIC) phê duyệt tháng 11/2018. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án cho thấy một số vấn đề không phù hợp nên TIC đã phải tạm dừng để tập trung cho việc tái cơ cấu lại, điều chỉnh dự án nhằm đảm bảo tính khả thi.

{keywords}
Dự án sắt Thạch Khê bất động kéo dài.

Báo cáo Thủ tướng công tác huy động vốn, TKV cho hay: Tổng giá trị vốn điều lệ các cổ đông cần phải góp là 2.033 tỷ đồng, tương ứng với 30% vốn đầu tư giai đoạn I. Đến nay, tổng giá trị đã góp là 1.809 tỷ đồng, trong đó TKV đã góp đủ giá trị huy động là 1.076 tỷ đồng.

Phần vốn góp còn thiếu do các cổ đông Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long, Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh - CTCP, Tổng công ty thép Việt Nam - CTCP và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco chưa góp đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn. TKV đã báo cáo Bộ Công Thương vào ngày 16/8/2016 về phương án góp tăng vốn điều lệ vào TIC để tiếp tục triển khai dự án.

TKV cho hay, tổng giá trị đã thực hiện công tác bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ an sinh xã hội và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách đến 31/10/2016 là 703 tỷ đồng.

Đến nay, các thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh đã được TIC nghiêm túc triển khai thực hiện và đã đủ điều kiện tiếp tục triển khai dự án. Vì vậy, với vai trò là cổ đông chi phối tại TIC, TKV đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai dự án này và cho phép hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản, từ 2017-2018.

Mục đích là để TIC tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thi công các công trình khác,... nhằm sớm đưa dự án vào sản xuất, khai thác có hiệu quả, kịp thời cung cấp quặng chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất phôi thép.

Ngày 9/12, Bộ Công Thương với sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã họp với các bộ ngành, TKV và UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc khởi động lại dự án này. Dự kiến sẽ tái khởi động dự án vào quý I/2017.

Thạch Khê được xem là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng quặng khai thác có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm, tiến độ khai thác ở Thạch Khê vẫn dậm chân tại chỗ.

Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê (TIC) ngày 17/5/2007 đã ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, có vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty.

Giai đoạn từ 2009 đến 2011, TIC chỉ khai thác thử ở một số điểm nông, sâu trong đất liền. Công tác giải phóng mặt bằng dở dang, xây dựng các khu tái định cư gần như chưa có gì... Tiến độ chậm chạp kéo dài, tới đầu năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó đã chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan phân tích, đánh giá lại toàn bộ dự án để xem xét tính khả thi, nhất là về năng lực của các cổ đông.

Sau đó, Bộ Công Thương đã tiến hành tái cơ cấu lại TIC theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông,... nhưng đến nay, dự án vẫn đang rục rịch tái khởi động.

Lương Bằng