Ông Nguyễn Văn Dền (79 tuổi) cùng bạn từ huyện Thường Tín đến nhà tù Hỏa Lò. Vì lý do tuổi tác, tai ông không còn nghe rõ nhưng vẫn cảm thấy vang vọng tiếng loa phát thanh: "Máy bay địch cách 60km, máy bay địch cách Hà Nội 30km". Ký ức về một thời mưa bom bão đạn không bao giờ phai mờ trong tâm trí người cựu binh.

Đó là một trong những hình ảnh tại cuộc trưng bày có tên “Khoảng lặng”. Đây là chương trình tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022); 50 năm trao trả phi công Mỹ bị giam tại các trại giam miền Bắc (1973 - 2023) dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội. Trong ảnh là mô hình tái hiện hệ thống đường giao thông hào năm xưa. Đến đây, du khách được tham gia trải nghiệm chui hào giao thông khi có báo động phòng không. 

Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung Những ngày đỏ lửa và Sau bức tường đá. Ở nội dung Những ngày đỏ lửa, là những hình ảnh về quãng thời gian cuối tháng 12/1972, trong “vòng cung lửa” của các loại vũ khí hiện đại, cả bầu trời miền Bắc rung chuyển, nhuốm màu chớp đạn - màu của tang tóc, chia ly. Từng ngôi nhà, dãy phố Hà Nội, Hải Phòng phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52, khiến “đất rung, ngói tan, gạch nát.”

Còn với nội dung Sau bức tường đá, đó là sau bức tường đá “Hilton - Hà Nội” phi công Mỹ có thời gian lắng lại để hiểu về cuộc chiến mà mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam. Từng lá thư gửi về gia đình, từng nét bút trong các bức tranh đều thể hiện chân thực cuộc sống của phi công Mỹ trong Trại giam Hoả Lò. Khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, toàn bộ phi công Mỹ giam tại các trại giam ở miền Bắc Việt Nam được tập trung về Trại giam Hỏa Lò để trao trả cho Chính phủ Mỹ. Có mặt tại triển lãm, khi nói về chiến tranh ở Việt Nam, anh Jefferson Morris IV (Canada) phải thốt lên: “Kinh khủng”. Lần đầu tiên chàng trai ngoại quốc được nhìn những tư liệu và hình ảnh chân thật về một cuộc chiến tại Việt Nam, từ đó anh càng thêm cảm phục và yêu mến đất nước nhỏ bé mà kiên cường.

Chiếc kẻng làm từ vỏ bom, báo động cho người dân vào hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch tấn công. Với niềm tin chiến thắng, Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác đều trở thành "chiến trường" đặc biệt. Nhân dân nhanh chóng thích ứng với cuộc sống vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hệ thống còi báo động, loa phát thanh, kẻng báo động, trạm quan sát máy bay địch được lập ở khắp nơi.

Các vật dụng như mũ bện rơm, loa phát thanh, còi báo động, thiết bị khám bệnh, trị thương... đều được trưng bày tại đây.

Năm 1972, Hà Nội có 400.000 hố tránh bom cá nhân và 90.000 hầm trú bom tập thể. Mỗi người dân có ít nhất 3 hầm trú ẩn ở trong nhà, cơ quan và trên đường phố.

Bức ảnh ghi lại chiến sĩ tự vệ Hà Nội bện con dúi bằng rơm để tránh bom chân thực và giàu cảm xúc. Trong khuôn khổ chương trình, người xem còn được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, những cựu tù chính trị từng bị bắt giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc, các phi công từng tham gia vào cuộc chiến đấu với B-52 của Mỹ tháng 12/1972.