Ngày 29/8/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức Lễ khánh thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Lễ khánh thành được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính diễn ra tại trạm biến áp 500 kV Phố Nối (Hưng Yên) và kết nối trực tuyến đến 8 điểm cầu thuộc 8 tỉnh nơi có dự án đi qua.

unnamed.jpg
Sáng 29/8, tại tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đến các cấp, bộ, ngành, chính quyền địa phương, yêu cầu cùng chung tay vào cuộc.

Anh3DUongday500kVmach32782024.jpg
Dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 từ Phố Nối, tỉnh Hưng Yên đến Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có tổng chiều dài khoảng 519 km. Ảnh: EVN

Dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 có tổng chiều dài khoảng 519 km; tổng mức đầu tư khoảng 22.356 tỷ đồng. Dự án gồm 4 dự án thành phần: Quảng Trạch – Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu – Thanh Hóa; Thanh Hóa - Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 và Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 – Phố Nối. Các dự án thành phần được khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024.

Dự án có khối lượng đào đất đá là hơn 2,5 triệu m3, sử dụng hơn 705.000 m3 bê tông, gần 70.000 tấn cốt thép móng; tổng khối lượng lắp dựng cột thép là 139.000 tấn; kéo tổng cộng gần 14.000 km dây dẫn các loại.

Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500 kV từ Trung – Bắc với công suất từ 2.500MW hiện nay lên 5.000MW, nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500kV hiện hữu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước ta; đồng thời là thành tích thiết thực chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

Thủ tướng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ, trong những năm qua, kinh tế - xã hội nước ta có sự phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu tăng trưởng nguồn điện bình quân phải ở mức 10 - 12%/năm. Một số thời điểm, do nhiều nguyên nhân, trong đó có năng lực hệ thống truyền tải còn hạn chế, nên đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc đầu năm 2023, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, làm ảnh hưởng đến thu hút và môi trường đầu tư nước ngoài.

Rút kinh nghiệm từ việc này, từ tháng 6/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, khẩn trương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm cung ứng đủ điện cho miền Bắc trong các tháng cao điểm của năm 2024 và các năm tiếp theo, không được để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ trường hợp nào. Một trong những giải pháp quan trọng đó là phải sớm triển khai xây dựng Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Thủ tướng nhấn mạnh, việc thần tốc thi công hoàn thành khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba nhưng chỉ với thời gian bằng 1/5 các Dự án mạch 1 và mạch 2, đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc, là thành tích to lớn, là thành quả xuất sắc đáng được ghi nhận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các đơn vị quản lý dự án, các nhà thầu…

Thủ tướng nêu rõ, công trình được đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng.

img8739 172490789656831841133.jpg
Lễ gắn biển công trình nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam và 70 năm truyền thống ngành điện lực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đó là: Công trình mang ý nghĩa chiến lược góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc. Công trình là của niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết, thể hiện quan điểm lấy dân làm gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết. 

Công trình có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đối với sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghệ cao, tin tưởng chúng ta đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm phải ra sản phẩm, "cân, đong, đo, đếm", lượng hoá được. 

Công trình thể hiện niềm khát vọng, niềm tin, bản lĩnh của  của người Việt Nam; biến không thể thành có thể, vấn đề là chúng ta có quyết tâm không…

Thủ tướng nêu rõ các bài học kinh nghiệm, đó là "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".

Dự án này đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm. Đầu tiên là bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, chỉ huy với tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, làm việc nào dứt việc đó; cùng với đó là đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy động lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. 

Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, nỗ lực vươn lên của EVN, các doanh nghiệp Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa doanh nghiệp trung ương với doanh nghiệp địa phương...

Thứ tư, phát động phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, nâng cao hình ảnh của người dân Việt Nam, tự hào của dân tộc, tự hào về các công trình trọng điểm trước đây từ đó tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, bản lĩnh của người Việt Nam trước những sự kiện lớn trong bối cảnh khó khăn. Từ đó, chúng ta sẽ vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện cụ thể đối với các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hoá, hạ tầng số, chống biến đổi khí hậu. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN

Đây là công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bổ sung công suất nguồn điện Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc, truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ và hệ thống điện quốc gia. Giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu.  

Đây là dự án thi công có thời gian ngắn kỷ lục. Đến nay, ngành Điện Việt Nam đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 4 mạch đường dây chuyển tải điện 500kV từ Bắc vào Nam. Trong đó, đường dây mạch 1 được đưa vào vận hành ngày 27/5/1994, đường dây mạch 2 vận hành ngày 23/9/2005. Đến hôm nay, cung đoạn cuối cùng của đường dây 500kv mạch 3 đã chính thức đưa vào vận hành. 

Đại diện các nhà thầu, ông Vũ Ánh Dương - thành viên HĐQT PC1

Chúng tôi vô cùng cảm động, tuy khối lượng thi công lớn, tập trung trong thời gian ngắn và hệ số đồng thời cao nhưng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các kỹ sư, công nhân tay nghề cao, sự giúp sức từ các tổ chức địa phương.

Đây có thể coi là yếu tố cốt lõi dẫn đến sự thành công của dự án, sau thời gian dài 3 ca 4 kíp, với tinh thần khẩn trương cao, các đơn vị thi công đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành dự án theo đúng thời gian đề ra.

Ông Trần Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Công ty Điện lực tỉnh Nam Định 

Trong quá trình thi công đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh Nam Định, Công ty Điện lực Nam Định đã phối hợp tốt với Ban A miền Bắc, các nhà thầu thi công để đảm bảo cấp điện an toàn ổn định  phục vụ công tác thi công đường dây 500kV tới việc cung cấp điện đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành lập 2 đội xung kích với tổng số 24 người tham gia hỗ trợ thi công xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng yên) trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong suốt thời gian thi công, chúng tôi cũng tổ chức thăm hỏi, động viên các đội xung kích tham gia hỗ trợ thi công trên công trường.