Theo báo cáo về tình hình quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố của UBND TP.HCM có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa.

{keywords}
Hơn 20% học sinh tiểu học tại TP. HCM học thêm. Ảnh: Đinh Quang Tuấn.

Theo báo cáo về tình hình quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố của UBND TP.HCM có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa.

Ngoài ra, có khoảng 190.000 học sinh trung học (THCS-THPT) đang tham gia học thêm tại cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học tập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu các em học các môn Toán, Lý, Hóa (chiếm 35%).

Có gần 500.000 học sinh đang tham gia học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 50%), khoảng 10.000 học sinh học ngoại ngữ khác tại các Trung tâm Ngoại ngữ sau giờ học chính khóa.

Theo đó, UBND thành phố cho biết, dạy thêm, học thêm một phần xuất phát từ nhu cầu không thể phủ nhận của phụ huynh và học sinh. Qua thực tế, không khí học tập ở nhiều lớp học thêm là nghiêm túc, một số em học sinh yếu kém cũng vươn lên khá giỏi nhờ các thầy cô dạy phụ đạo, một số trường hợp phụ huynh cho con đi học thêm để tránh bị tác động, ảnh hưởng của những tiêu cực ngoài xã hội.

Đối với một số giáo viên, dạy thêm là công việc để tăng thu nhập một cách chính đáng trong điều kiện lương chưa đủ trang trải cuộc sống, tạo động lực để giáo viên trau đồi chuyên môn. Dạy thêm cũng giúp thầy cô đi sâu hơn vào các dạng bài tập phong phú, nâng cao mà các giờ chính khóa không đủ điều kiện để triển khai.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh. “Người dạy” bị “thương mại hóa”, đặt lợi ích kinh tế của cá nhân, tâm lí học thêm “phong trào” của phụ huynh và học sinh để lôi kéo, chèn ép, buộc các em học sinh phải đi học thêm.

Ngoài ra, có tình trạng phân biệt đối xử trong giờ học giữa học sinh học thêm với mình với học sinh không học thêm hoặc học thêm với thầy cô khác, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Phụ huynh không xuất phát từ nhu cầu của con em mà đua chen theo xu hướng của xã hội, ép con mình đi học thêm quá nhiều, quá tải, dẫn đến hiệu quả không đạt mà còn gây áp lực, căng thẳng cho các em. Cũng có trường hợp giáo viên khi lên lớp giảng dạy trong giờ chính khóa thì giảng không sâu, không truyền đạt hết kiến thức của bài học, dẫn đến việc học sinh phải tham gia vào các lớp học thêm mới có thể nắm hết được kiến thức của bài học.

Về việc cấp phép dạy thêm, đến cuối năm học 2015 - 2016, Sở GD-ĐT đã cấp phép cho 82 đơn vị trường THPT, TTGDTX được dạy thêm trong nhà trường với khoảng 80.000 học sinh theo học, chủ yếu các môn Toán, Lý, Hóa. Có 34 cá nhân và tổ chức được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường với khoảng 20.000 học sinh.

Riêng UBND các quận, huyện đã cấp phép cho 106 đơn vị dạy thêm trong nhà trường (cấp THCS) với khoảng 110.000.000 học sinh theo học, 47 cá nhân và tổ chức được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường, với khoảng 10.000 học sinh (chủ yếu là các nhóm nhỏ). Không cấp phép dạy thêm cấp tiểu học.

Về việc kỷ luật, năm học 2015 - 2016, đã tổ chức kiểm tra chính thức 14 trường trung học phổ thông, tổ chức thanh tra 5 điểm dạy thêm ngoài nhà trường, 3 điểm dạy thêm trong nhà trường.

Thành phố ngăn chặn dạy thêm bằng cách thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Hiện có 485 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày, 270 trường THCS và 87 trường THPT (công lập) tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

UBND thành phố cũng cho biết, để hạn chế dạy thêm đã triển khai một số chế độ, chính sách đặc biệt dành cho cán bộ - giáo viên như ban hành chính sách đãi ngộ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các phường, xã vùng sâu thêm 700.000đồng/người từ năm 2011; giải quyết tiền vượt giờ cho giáo viên mầm non 200 tiết/năm kể từ 01/9/2008; thực hiện trợ cấp 200.000 đồng/tháng đối với công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,0 trở xuống.

Tuệ Minh