Ngày 23/3, trao đổi với VietNamNet, luật sư Trương Thị Hòa, đại diện cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho hay, các ngân hàng đã có công văn trả lời về số tiền 2.100 tỷ trong các tài khoản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Tuy nhiên, theo luật sư Hòa, hiện chỉ còn hơn 1,3 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank. Đối với những tài sản nằm tại ngân hàng nước ngoài không thể xác minh do bị từ chối cung cấp thông tin khách hàng.
Thông tin này đưa ra trong bối cảnh sau gần 1 tháng tạm dừng phiên tòa để yêu cầu các bên cung cấp thêm chứng cứ liên quan đến khoản tiền hơn 2.100 tỷ đồng.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo |
Trước đó, tại phiên tòa, ông Vũ cho hay tổng số tiền, vàng, ngoại tệ có giá trị 2.102 tỷ đồng do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank (chi nhánh TP.HCM) là tài sản chung của vợ chồng tích lũy được sau 20 năm.
Vì vậy, ngày 18/7/2016, ông Vũ có đơn phản tố, yêu cầu chia tài sản chung gồm bất động sản, tiền VNĐ, ngoại tệ các loại, vàng, cổ phần ở các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Trung Nguyên mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang đứng tên góp vốn bằng tài sản chung của hai vợ chồng. Tổng trị giá tài sản khoảng hơn 3.589 tỷ đồng; ông Vũ yêu cầu chia số tiền này theo tỉ lệ 70-30.
Ngày 9/9/2016, TAND TP.HCM thụ lý yêu cầu phản tố của ông Vũ. Đến ngày 10/7/2017, ông Vũ tiếp tục có đơn yêu cầu tách vụ án, đối với phần tài sản chung trong vụ án ly hôn (bao gồm tiền, vàng, bất động sản) để giải quyết bằng một vụ án khác.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ |
Ngày 14/9/2017, ông Vũ có đơn gửi TAND TP.HCM với nội dung "xin rút một phần đơn yêu cầu phản tố”, liên quan đến tài sản là các bất động sản; tiền gửi VNĐ, ngoại tệ các loại; vàng và tiền trong tài khoản do bà Thảo đứng tên ở các ngân hàng.
Tuy nhiên, TAND TP.HCM ban hành quyết định tách vụ án đối với số cổ phần tại Công ty Trung Nguyên Singapore chứ không tách yêu cầu liên quan tài sản tiền, vàng tại 3 ngân hàng.
Trong phiên xét xử, hai bên đã có sự tranh cãi về yêu cầu phản tố này của ông Vũ. Bà Thảo cho rằng ông Vũ đã rút yêu cầu phản tố liên quan số tiền trên nên tòa án không đưa vào giải quyết trong vụ ly hôn.
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện VKS đưa ra quan điểm về số tiền này là: “Chưa đảm bảo về tố tụng, chưa thu thập đủ chứng cứ nên VKS chưa có cơ sở vững chắc để giải quyết”.
Ngoài tranh cãi về số tiền 2.102 tỷ đồng này, vợ chồng ông Vũ còn không thống nhất được việc chia cổ phần tại các công ty.
Phía ông Vũ đề nghị chia cổ phần tại các công ty theo tỉ lệ 70-30, nhưng bà Thảo không đồng ý mà đề nghị chia cho mình 51% cổ phần Công ty CP đầu tư Trung Nguyên, ông Vũ 39% vì ở công ty này có 2 nhóm cổ đông. Nhóm thứ nhất là ông Vũ, mẹ và chị gái ông Vũ chiếm 70%. Với tỉ lệ này, ông Vũ có 10% cổ phần.
Vì vậy, tổng số cổ phần ông Vũ có là 49%. Lúc này một bên 51% và một bên 49% sẽ không có việc bên nào dùng ý chí của mình để áp đặt; các bên đều có quyền biểu quyết trong đại hội cổ đông, bà Thảo có quyền tham gia vào hoạt động của công ty này. Và đương nhiên, ông Vũ cũng không đồng ý với cách chia này của vợ.
Chia tiền ngàn tỷ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được lợi nhờ Luật hôn nhân gia đình mới?
Theo Điều 59, Luật hôn nhân gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến đóng góp của mỗi người và ông Vũ chính là người xây dựng nên Trung Nguyên.
Đoàn Nga