Báo cáo Tác động thiên tai, dịch bệnh đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và nông thôn của Bộ NN-PTNT cho thấy, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 gây khó khăn cho xuất khẩu. Tồn kho một số nông sản tại doanh nghiệp lớn (cà phê, hồ tiêu, chè, sắn, cao su, lâm sản) khiến nguồn cung trong nước dồn ứ. Tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản cũng giảm khi người dân chỉ tập trung tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu.
Kéo theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực ngành nghề, làng nghề nông thôn bị tác động lớn, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.
Cụ thể, khoảng 4.500 HTX nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng. Sản lượng thực phẩm cung ứng của các HTX này giảm từ 30% đến 50% trong hai tháng qua. Giá bán các sản phẩm này cũng giảm khoảng 20%, cá biệt giảm đến 50%.
Ngoài ra, khoảng 3.000 HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng ít hơn. Những HTX này do sử dụng nhiều lao động (HTX đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ máy nông nghiệp, trang trại nông nghiệp, du lịch nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp,... ) nên khi áp dụng các biện pháp chống dịch lao động xin nghỉ việc tăng và giá lao động tăng cao.
Các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19 |
Đáng chú ý, gần 28.500 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng khi khâu tiêu thụ nội địa giảm 40-50%, nhiều loại sản phẩm nông thủy sản (khoai, sắn, mít, ngao, hàu,...) tồn đọng; xuất khẩu giảm từ 10-40% tùy mặt hàng. Trong khi đó, vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn, thuốc thú y hay con giống phục vụ cho sản xuất của trang trại bị khan hiếm và giá thành cao hơn so với mức bình thường từ 10-20%.
Dịch bệnh cũng làm cho 2.800 trang trại lâm nghiệp và trang trại dịch vụ tổng hợp bị ảnh hưởng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của các trang trại lâm nghiệp giảm 8,1% so với cùng kỳ 2019; các trang trại dịch vụ tổng hợp như cung ứng vật tư, con giống và thức ăn chăn nuôi bị giảm sản lượng cung từ 15-20% và giá nhập nguyên liệu đầu vào tăng 10-20% tùy loại sản phẩm.
Theo Bộ NN-PTNT, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chưa xác định được thời điểm khống chế hoàn toàn dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu nông lâm sản và thủy sản, cũng như tiêu thụ trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng.
Đó là chưa kể, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản còn phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái nhiễm rất cao.
Trước những tác động trên, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, có chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản và cung cấp dịch vụ logistic.
Bộ cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử,, đưa sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch điện tử; đồng thời phối hợp với các bộ ngành khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất - nhập khẩu nông, lâm, thủy sản.
Với UBND các tỉnh, thành, cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp cấp bách thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; đồng thời thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng Bộ Công Thương thúc đẩy tiêu thụ nội địa, phát triển và nhân rộng hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ; đẩy mạnh các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua phân phối bán lẻ online.
Tính đến 31/12/2019, cả nước có 320.000 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn. Tổng doanh thu năm 2019 từ các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt khoảng 115.000 tỷ đồng. Gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất kinh doanh, trong đó số lao động thường xuyên chiếm 90%.
4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 12,04 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,77 tỷ USD, giảm 4,5%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,18 tỷ USD, giảm 10%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 150 triệu USD, giảm 23,8%; chỉ các mặt hàng lâm sản chính có giá trị xuất khẩu ước đạt 3,42 tỷ USD, tăng 3,9%. |
T.An