Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Các bị can bị đề nghị truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cơ quan điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu. Hành vi phạm tội của nữ đại gia và đồng phạm có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện cực kỳ công phu, tỉ mỉ, có kịch bản rõ ràng.
Cơ quan điều tra chỉ ra rằng, Ngân hàng SCB là một loại hình Công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời là một tổ chức tín dụng, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp. Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng vai trò hạt nhân, kiểm soát toàn bộ hoạt động các công ty khác nhưng không tham gia trực tiếp kinh doanh.
Ngân hàng SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
"Quyền lực ngầm" của bà Trương Mỹ Lan
Kết quả điều tra đủ căn cứ kết luận, bà Trương Mỹ Lan mặc dù không nắm giữ chức vụ nào tại Ngân hàng SBC nhưng lại là người có "quyền lực ngầm" tại ngân hàng này. Bà Lan thông qua các cá nhân thân tín và các pháp nhân khác để sở hữu từ 85% đến 91,5% cổ phần SCB. Số cổ phần còn lại do khoảng hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Với việc nắm giữ số cổ phần chi phối, bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB, mọi hoạt động của ngân hàng này đều cơ bản phục vụ hoạt động của bà Lan.
SCB là ngân hàng được phép “nhận tiền gửi” của các cá nhân, tổ chức, quản lý tiền huy động để “cấp tín dụng” cho khách hàng vay vốn phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan đã dùng “quyền lực ngầm” của mình để chỉ đạo các đồng phạm lập hồ sơ vay vốn khống rút tiền đặc biệt lớn phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.
Các hồ sơ cho vay này không phải là hồ sơ vay vốn theo đúng quy định của pháp luật. Thực chất, các pháp nhân, cá nhân vay vốn do do nhóm Vạn Thịnh Phát lập ra, không phải là người có nhu cầu vay vốn thật.
Các phương án vay vốn đều là “khống” bởi tiền giải ngân không thực hiện đúng như phương án mà chỉ để phục vụ cho các mục đích của bà Trương Mỹ Lan.
Về bản chất, việc đưa tài sản bảo đảm vào SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội. Có nhiều tài sản bảo đảm không hề có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp nhưng vẫn được định giá, nâng khống giá trị, đưa vào thế chấp tại SCB làm phương án vay… Tất cả đều nhằm mục đích hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.
Với việc thực hiện kịch bản như trên, bà Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo các đối tượng tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ hợp thức hóa như một khoản vay để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2018- 2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB. Đến nay các khoản vay này còn dư nợ hơn 545.039 tỷ đồng với dư nợ gốc hơn 415.666 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của nữ đại gia.
Do SCB đang theo dõi quản lý 982 mã tài sản bảo đảm của nhóm Vạn Thịnh Phát với giá trị định giá là 111.570 tỷ đồng, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, Cơ quan điều tra trừ đi giá trị tài sản bảo đảm và xác định hành vi của bà Trương Mỹ Lan phạm vào tội tham ô tài sản, chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng.
Ngoài ra, hành vi tham ô tài sản của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền gần 130.000 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc bị chiếm đoạt nêu trên.
Theo Cơ quan điều tra, giúp sức cho bà Lan tham ô tài sản là nhiều lãnh đạo, người có chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng SCB gồm ông Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên TGĐ SCB)…
Ngoài các đối tượng chủ chốt tại SCB giúp sức cho bà Lan thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của ngân hàng, còn có các đối tượng ở Vạn Thịnh Phát đã trực tiếp nhận sự chỉ đạo của nữ đại gia. Họ đóng vai trò quan trọng để tạo lập ra các bộ hồ sơ vay vốn khống, để bà Lan chiếm đoạt số tiền lớn
Từ 2012-2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để SCB giải ngân cho 304 khách hàng nhóm bà Lan (252 khách hàng cá nhân và 52 khách hàng tổ chức) với 368 khoản vay, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ tổng số hơn 132.247 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cho rằng, còn một số tài sản bảo đảm cho các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan nên áp dụng nguyên tác có lợi cho bị can, xác định trách nhiệm của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại hơn 64.621 tỷ đồng.