Ngay khi Mobile Money ra mắt, Viettel đã tận dụng nguồn lực sẵn có, đối tác tích lũy trong nhiều năm để phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc. Theo đó, người dân có thể sử dụng ứng dụng này để thanh toán tại các điểm vui chơi giải trí như CGV, Lotte Cinema; Cửa hàng chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp với Guardian, Pharmacity, The Face Shop; Sắm đồ công nghệ tại Viettel Store, FPT Shop... hay thanh toán trong quán ăn, cà phê như AHA Cafe, Phúc Long hay TocoToco.
Anh Lương Minh Đức, quản lý cửa hàng AHA Cafe - cơ sở Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khi biết quán có Viettel Money, rất nhiều khách hàng sẵn sàng sử dụng bởi ít khi mang theo tiền mặt. "Số lượng khách dùng mạng Viettel rất lớn nên khi thanh toán qua ứng dụng cùng hệ sinh thái, họ có thể tích lũy điểm hay áp dụng một số chiết khấu khác", anh khẳng định.
Song, Viettel Money còn có tính năng quyết toán định kỳ cho người bán. Do đó, anh Đức quản lý tài chính tốt hơn, giảm thất thoát so với giao dịch tiền mặt.
Bạn Bảo Khuê (sinh viên tại Hà Nội) cũng chia sẻ, do bản thân hay bất cẩn nên hiếm khi mang theo tiền mặt bên người. "Tuy việc này có thể giúp mình hạn chế tình trạng mất tiền nhưng đôi khi có những cuộc hẹn bất chợt với bạn, mình lại phải tìm ATM rồi mới trở lại quán. Mỗi lần như thế, mình thường chọn những nơi có thanh toán online như AHA Cafe", Khuê nói thêm.
Bên cạnh đó, Viettel còn hợp tác với VNPayQR và PayooQR để mở rộng lựa chọn giao dịch qua các điểm thanh toán offline cho người dùng. Với hàng chục nghìn điểm trên toàn quốc, người dùng có thể sử dụng linh hoạt giữa các phương thức kết nối như mobile money, tài khoản ngân hàng... trong các giao dịch mua sắm, thanh toán vé tàu xe hay phòng lưu trú du lịch.
Các bạn trẻ thường chọn hàng quán có thanh toán số bởi tính tiện lợi. Ảnh: Viettel |
Theo báo cáo của Kantar WorldPanel, chi tiêu FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) đặc biệt là các sản phẩm sử dụng tại nhà sẽ tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2022 với mức chi tiêu gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Trong đó, khu vực thành thị có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn với mức tăng trưởng 3% và khu vực nông thôn tăng 6% so với cùng kỳ 2021. Mặt khác, theo một khảo sát của TikTok với 548 người dùng tại Việt Nam, Covid-19 có thể ảnh hưởng đến các hoạt động ngày Tết nhưng người Việt vẫn sẽ tiếp tục đón Tết theo cách riêng của mình khi có 99% người dùng chia sẻ rằng họ có nhu cầu mua sắm và trao quà vào dịp Tết 2022.
Để hỗ trợ người dân mua sắm tiện lợi hơn, Viettel Money không ngừng phủ sóng hàng nghìn điểm giao dịch trên toàn quốc. Nhờ các lợi thế như cho phép giao dịch offline, giá trị nhỏ, gắn liền với SIM, hạ tầng công nghệ, viễn thông phủ sóng rộng khắp..., Viettel Money có thể len lỏi tới các hàng quán nhỏ lẻ, khu chợ.
Không chỉ giúp người dân thanh toán tiện lợi hơn, Viettel còn hỗ trợ các địa phương "số hóa" khu chợ dân sinh. Trong đó, tại Đà Nẵng, khu chợ Cồn (quận Hải Châu) luôn tấp nập người dân địa phương, du khách với lượng lớn giao dịch tiền mặt mỗi ngày, nay đã có thêm những chiếc bảng mã QR thanh toán Viettel Money. Hiện, chợ Cồn đã có hơn 900 trên 1.400 hộ kinh doanh sử dụng ứng dụng này.
Ông Phan Thành Thoại - Quản lý chợ Cồn cho biết việc xây dựng mô hình 4.0 với sự hỗ trợ của Viettel là một phần trong kế hoạch bắt nhịp xu thế, thay đổi cách sử dụng tiền của người dân. Như vậy, mọi người đi chợ không cần mang theo tiền mặt, tránh rơi mất, tiếp xúc bề mặt và giữ khoảng cách an toàn trong thời điểm bùng phát Covid-19.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, người dân còn nhiều vướng mắc về vấn đề bảo mật, an toàn khi giao dịch. Do đó, ban quản lý chợ đang cùng Viettel Đà Nẵng tuyên truyền nâng cao ý thức về cách bảo vệ thông tin tài khoản, thanh toán để tránh người xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, hai đơn vị cũng dần hoàn thiện về mặt cơ sở hạ tầng như phủ sóng 3G, 4G để người dân sử dụng dễ dàng sử dụng hơn.
Viettel hỗ trợ ban quản lý chợ Cồn (Đà Nẵng) chuyển đổi mô hình truyền thống sang 4.0. Ảnh: Viettel. |
Chị Khuất Thị Huyền Quyên, quầy nem chả tại chợ Cồn, chia sẻ trước đây, chị hay mất khách vì không thể giao dịch trực tuyến. Sau đó, chị khắc phục bằng cách để khách chuyển tiền cho tài khoản ngân hàng của chồng. "Tuy nhiên, làm cách này rất bất tiện. Số tài khoản dài, khó nhớ. Tôi cũng khó kiểm soát việc người ta đã chuyển khoản chưa. Nhiều người còn trêu tôi là 'nhà quê'", chị kể lại.
Sau khi chợ đổi mô hình 4.0 và sử dụng Viettel Money, chị tự tin giao dịch không tiền mặt, đồng thời, giới thiệu với khách hàng để mua bán tiện lợi hơn và hạn chế tiếp xúc gần trong giai đoạn dịch bệnh.
Chị Lê Thị Quỳnh Châu, quầy bán hải sản khô tại đây, cũng chia sẻ sau khi có Viettel Money, việc thanh toán nhanh hơn rất nhiều. Ban đầu, nhiều khách hàng tới không dám sử dụng bởi họ nghĩ "tiền cầm trên tay mới chắc chắn". Tuy nhiên, chị vẫn tích cực giới thiệu, thậm chí, thao tác thanh toán hóa đơn điện nước, cước điện thoại, chuyển khoản, rút tiền... hộ những người lớn tuổi để họ không phải đi một quãng đường dài, từ đó, dần thấy được tiện ích của công nghệ này.
Nhiều cửa hàng tại khu chợ dân sinh đã có thêm bảng mã QR để thu hút khách hàng, đồng thời, quản lý tiền khoa học hơn. Ảnh: Viettel |
Ngoài ra, Viettel Money còn có hàng trăm nghìn điểm giao dịch trực tiếp từ Viettel tại hơn 11.000 xã, đóng vai trò thúc đẩy thanh toán số, giúp bà con vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận với hình thức này và thực hiện giao dịch dễ dàng hơn. Đây cũng là cầu nối liên kết người dân với các dịch vụ ngân hàng. Tại các điểm giao dịch trực tiếp này, họ có thể thực hiện giao dịch chuyển, nhận tiền từ các tài khoản ngân hàng khác.
Ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc - Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, Viettel sẽ ngày càng mở rộng thêm nhiều điểm giao dịch và hoàn thiện hệ sinh thái Viettel Money để phục vụ nhu cầu của mọi người dùng. "Viettel Money đảm bảo ở đâu có sóng viễn thông, nơi đó có hạ tầng dịch vụ số", ông khẳng định.
Phương Dung