Không kết hôn với người bên ngoài, không nói ngôn ngữ chung của người Mông, không mặc trang phục sặc sỡ… đó là những khác biệt của đồng bào Mông Xanh ở Việt Nam.

Sự độc đáo về văn hóa, ngôn ngữ của tộc người có số lượng ít hỏi chỉ tập trung ở Nậm Tu Thượng và Nậm Tu Hạ, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã thôi thúc tôi tìm đến vùng đất có những con người đặc biệt này. Quá trình tìm hiểu, tôi còn giật mình với câu chuyện truyền miệng về tộc “ăn thịt người” ấy. Ngày giáp Tết. Trời chưa về chiều mây đã giăng kín lối. Sáng sớm, những mái nhà lợp proximăng phủ tuyết lấm tấm. Nhà nào cũng đang vỗ béo lợn để mổ ăn Tết và dành thức ăn cho cả năm mới.

Chuyện truyền miệng về tộc “ăn thịt người”

Giữa những ngọn núi quanh năm mây phủ, từng mái nhà lúp xúp của bà con thôn Nậm Tu Thượng nằm rải rác trong thung lũng. Họ không làm nhà sàn để tránh thú rừng như nhiều nơi khác mà là nhà gỗ trên đất, mái nhà không cao để tránh cái rét thấu xương của mùa đông. Người Mông Xanh có 4 họ gồm họ: Vàng, Lý, Giàng, Thàng. Hiện nay họ Vàng đông nhất, có gần 100 người, ít nhất là họ Thàng có gần chục người. 100 người Nậm Tu Thượng là người dân tộc Mông Xanh.

Con đường mòn dẫn lối tôi cùng thầy giáo Lê Ngọc Tân, Hiệu phó Trường Tiểu học Nậm Xé đến điểm trường Tu Thượng, nơi có những đứa trẻ Mông Xanh đang ê a học chữ. Thầy giáo Vàng A Su là người Mông Xanh đầu tiên có bằng đại học. Ven đường, lũ trẻ nhỏ xíu đang bê gạch giúp bố mẹ bỗng quăng gạch xuống đất tò mò nhìn người lạ. Cuộc sống hồn nhiên, hoang dã của những đứa trẻ Mông Xanh khiến tôi bất giác liên tưởng đến sự đầy đủ của bọn trẻ thành phố. Đôi chân trần, đôi tay nứt nẻ của những đứa trẻ Mông Xanh rắn chắc mà cũng mềm mại, dẻo dai như cây rừng.

{keywords}

Vóc dáng, trang phục của người Mông Xanh khác hoàn toàn các tộc người Mông khác.

Giọng thầy Tân chợt vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: “Nhà báo nghe nói đến người Mông Xanh ăn thịt người chưa?”. Tôi tò mò . Anh kể: “Các bậc cao niên trong vùng kể lại, thời giặc Pháp chiếm đóng ở đây, bà con dân bản săn được thú rừng thì đều phải nộp cho quan Pháp. Hôm đó có người săn được con gấu, không mang nộp như mọi khi. Nghe tin, lính Pháp tìm đến khi chủ nhà đang nấu thịt trên bếp. Sợ rằng bị lộ sẽ mất mạng, chủ nhà giải thích rằng có đứa cháu đang ốm, không có thức ăn nên phải nấu thịt người cho cháu ăn. Tên lính Pháp không tin, khuấy nồi thịt lên thì nhìn thấy bàn tay của gấu, tưởng tay người nên hắn ba chân bốn cẳng chạy mất”.

Hóa ra chuyện người Mông Xanh ăn thịt người là như thế. Câu chuyện lan truyền trong dân gian khiến người ta tưởng thật, góp phần tạo nên sự kỳ bí của tộc người Mông Xanh. Người ta cho rằng đó là lý do khiến người Mông Xanh có phong tục hôn nhân cận huyết, do người bên ngoài sợ mà không dám đến gần.

Hơn nữa, người Mông Xanh lại có ngôn ngữ riêng. Ông Lả, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Xé giải thích: “Người Mông chúng tôi không nói tiếng Mông ở Bắc Hà hay người Mông ở Sapa… Chúng tôi nói tiếng Mông "cổ"". Anh cán bộ văn hóa xã Lý Thanh Ly nói thêm: ""Cổ" là cổ xưa ấy chị nhé!”.

Ngôn ngữ cũng là rào cản khi họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Suốt một thời gian dài, phong tục hôn nhân cận huyết diễn ra từ đời nọ nối tiếp đời kia, sinh ra một thế hệ nhiều người bị khiếm khuyết, kém thông minh.

Những cuộc hôn nhân “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Dưới góc độ của người nghiên cứu văn hóa, ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Sở VH-TT&DL Lào Cai lý giải tục hôn nhân cận huyết của người Mông Xanh như sau. Người Mông Xanh có quy định chặt chẽ trong hôn nhân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, con anh lấy được con cô và ngược lại. Bởi trong phong tục cưới xin, khi cô gái về nhà chồng sẽ được anh trai cho một con lợn giống về làm vốn. Vì thế sau này cô em đi lấy chồng có con lớn sẽ phải trả lại cho người anh. Nghĩa là sẽ có việc hôn nhân giữa con anh và con cô.

Tình trạng hôn nhân cận huyết đã khiến người Mông Xanh chậm phát triển trong thời gian qua. Đến năm 2005, ở đây vẫn còn 5 cặp hôn nhân cận huyết. Những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân đó may mắn không bị khuyết tật về cơ thể nhưng trí tuệ thì lại có vấn đề. Nhắc tới bọn trẻ kém may mắn đó, các thầy giáo đọc tên ngay thằng bé Vàng A Ý với đôi chân khuyết tật. Bà nội và bà ngoại Ý là hai chị em ruột. Bố Ý là Vàng A Pao, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.

Chúng tôi để lại xe máy ven đường, đi bộ men theo con đường nhỏ vẫn còn nguyên màu đất mới mở đường vào nhà Vàng A Pao, lẻ loi giữa khe núi. Vợ chồng Pao bảo, ở đây làm ăn dễ hơn. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, 3 đứa trẻ nhỏ như lợn con loăng quăng trước mái hiên nền đất chật hẹp. Thấy tiếng người lạ, mẹ bọn trẻ chạy ra.

Chị Lý Thị Hà (SN 1982) trông như một bà lão. Như thấy tôi ngạc nhiên, thầy giáo Tân giải thích: “Chồng nó bảo nó bị bênh dạ dầy, sỏi mật, ốm đau suốt”. Trong 3 đứa con, đứa lớn 10 tuổi là con riêng với chồng trước của Hà. Chồng cũ chết vì bệnh tật nên Hà đi bước nữa, lấy chồng là họ hàng gần với mình. Khi vừa đẻ ra đứa con chung đầu tiên, Hà và Pao đặt tên nó là Vàng A Ý. Thằng bé trông khôi ngô nhưng đến tuổi tập đi thì không thể đứng lên được. Từ đó đến nay, 2 tay nó thay cho đôi chân đến trường.

Thấy tôi hỏi nhiều đến Ý, mẹ nó giải thích: “Ở thôn này nhiều người cũng lấy chồng là họ hàng như mình nhưng có ai bị giống nó đâu”. Vợ Pao dường như chưa hiểu hết cái hậu quả do hôn nhân cận huyết để lại. Mà không chỉ vợ chồng Pao, nhiều người khác cũng chưa thực sự thấu hiểu điều đó. Bởi vậy mà chính quyền xã, huyện phải tổ chức cả chương trình tuyên truyền, vận động người Mông Xanh bỏ phong tục hôn nhân kiểu cũ.

Đến nay, người Mong Xanh đã cởi mở hơn khi bỏ quan niệm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đã giao lưu với người dân tộc khác, cưới người vùng khác. Nay, khi trẻ con ở Tu Thượng được đi học, điểm trường nằm ngay trong thôn, đã giúp thế hệ sau nói, viết được tiếng Kinh, thuận lợi giao tiếp, tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Đám cưới giáp ngày Tết

Chúng tôi đến Nậm Tu Thượng đúng vào ngày cưới của một cặp vợ chồng trẻ. Chú rể là Giàng Thiện Hà đã vượt qua tục lệ cũ trong hôn nhân, cưới được cô dâu Châu Thị Khu ở xã Nậm Chày, cách đó một buổi đường đi bộ. Bà con mặc đẹp, đứng từng tốp trước nhà chú rể ở ven con đường mòn. Chúng tôi trở thành khách không mời mà đến.

Trước nhà, họ dựng lều, căng bạt, làm mái che, làm sàn gỗ tổ chức đám cưới. Tầm 10h, những chai rượu sắn thơm nức đã sẵn sàng làm ngây ngất lòng người. Mâm cỗ có xôi gói lá dong, có thịt lợn nhiều món và có thêm cả món cá nấu. Cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống của người Mông Xanh, quấn khăn trên đầu và váy áo màu đen. Cô dâu e lệ, chú rể ngượng ngùng khi tôi hỏi: “Làm sao quen được nhau?”.“Em đi chơi Tết với bạn, gặp nhau rồi thích”.

Vợ chồng cô dâu, chú rể Hà - Khu đã có một cuộc sống mới. Sau đám cưới, cô dâu bắt tay vào chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên theo phong tục của người Mông Xanh. Tết người Mông Xanh mổ lợn cúng rồi làm thịt sấy, ướp muối để ăn dần. Mỡ lợn cất trong ống vầu, bọc hai đầu bằng lá dong, có thể để dành ăn cả năm.

Người Mông Xanh bước vào một kỳ nghỉ, ăn chơi để chuẩn bị cho một năm mới bận rộn với những nương thảo quả dưới tán rừng già, với những mong ước về cuộc sống mới, đổi thay.

(Theo Công an nhân dân - số Xuân Ất Mùi)