Tác phẩm được dựng từ nhạc truyện cùng tên của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, xoay quanh cuộc đời cô gái nhà quê Tư Liễu (Cẩm Ly). Cô yêu chàng trai thành thị Hai Nông (Minh Luân), khi mang thai anh lại bỏ đi biền biệt.

Mặc dị nghị, Tư Liễu sinh con, đặt tên là Bông Cánh Cò (Tuấn Dũng) như ước hẹn năm xưa, được bà ngoại Hai Mạnh (Hồng Vân) và cậu Út Lời (Thanh Duy) cùng nuôi nấng, dạy dỗ. 

12 năm sau, mẹ Hai Nông - bà Ba Cải (Thanh Thủy) cùng con gái (Lê Lộc) tìm đến nhận lại cháu nội khiến cuộc sống ở cù lao của Tư Liễu không còn yên bình. 

Chị em Tư Liễu - Út Lời do Cẩm Ly, Thanh Duy đóng. 

Điểm sáng diễn xuất

Kịch bản vở Bông cánh cò đơn giản, nhẹ nhàng, chủ yếu mang đến cho người xem trải nghiệm về diễn xuất và âm nhạc. Nhìn chung, các nhân vật hầu như dưới sức dàn diễn viên thực lực.

Trở lại kịch dài sau thời gian tập trung cho sự nghiệp đào tạo, Hồng Vân gây ấn tượng với vai bà Hai Mạnh - người đàn bà quê mùa hết lòng yêu con thương cháu ẩn trong bề ngoài xù xì, nói năng cộc cằn và hành xử thô lỗ.

Chị diễn xuất tự nhiên, duyên dáng, gần như không dùng kỹ thuật. Giọng Hồng Vân khản đặc do kiệt sức sau 1 tháng dồn tâm huyết hoàn thiện sân khấu mới nhưng đài từ, cách phát âm, nhả chữ đến bỏ nhỏ đều lấy cảm xúc người xem.

Hồng Vân khiến khán phòng cười nghiêng ngả với những cảnh đốp chát cùng "oan gia" Ba Cải (Thanh Thủy), loạt thoại cạnh khóe không chừa nhân vật nào; rồi sau đó lấy nước mắt họ bằng cảnh giằng xé nội tâm của người mẹ thương con gái nửa đời lận đận nhưng lực bất tòng tâm. 

Ngoài đời, Hồng Vân và Thanh Thủy là đôi bạn thân hơn 30 năm nên tương tác, tung hứng ăn ý, hòa hợp không cần diễn. Hai Mạnh và Ba Cải là cặp sui gia khắc khẩu, từ xuất thân đến tính cách đều trái ngược nhưng giống nhau ở lòng thương con vô bờ.

Hồng Vân và Thanh Thủy tung hứng "ăn rơ".

Cách Thanh Thủy cảm nhận, điều chỉnh và hóa thân nhân vật khác hẳn Hồng Đào. Bà Ba Cải của chị nhận thức rõ lỗi lầm của mình và con trai nên tìm đủ cách xin bù đắp, chấp nhận hạ mình để chứng minh lòng thành khi nhận lại cháu nội.

Phần thể hiện của Thanh Thủy khó tìm chỗ chê dù thời gian tập vỏn vẹn 3 ngày. Đôi lần chị thoại "gãy", rớt nhịp hoàn toàn bị khỏa lấp bởi sự duyên dáng và hơn 35 năm bản lĩnh sân khấu.

Bên cạnh 2 nghệ sĩ gạo cội, diễn viên trẻ Tuấn Dũng tỏa sáng. Chiều cao khiêm tốn và khuôn mặt trẻ con tạo lợi thế lớn để anh vào vai cậu bé Cánh Cò.

Á quân Cười xuyên Việt thể hiện nội lực diễn xuất đa dạng từ hài đến bi, lột tả nhân vật có tuổi thơ bất hạnh dẫn đến bề ngoài gai góc, sẵn sàng dùng bạo lực để bảo vệ gia đình nhưng nội tâm yếu đuối, nhiều tổn thương và luôn khao khát được yêu thương. 

Tuấn Dũng tỏa sáng.

Xuyên suốt tác phẩm, phần thoại của Tuấn Dũng không nhiều, phải kết hợp biểu cảm và cử chỉ để diễn đạt chiều sâu nội tâm của cậu bé bị buộc trưởng thành trước tuổi. Cảnh Cánh Cò gặp lại cha sau 12 năm đẩy cảm xúc vở diễn lên đỉnh điểm.

Âm nhạc và điểm trừ

Tác phẩm lấy nước mắt của khán giả, nghệ sĩ. Có mặt buổi công diễn, NSND Lê Khanh khóc trước các phân đoạn tâm lý. Chị bị diễn xuất của Hồng Vân "chạm đến trái tim" đồng thời ngưỡng mộ đàn chị mạnh dạn thể nghiệm nhạc kịch.

MC Lại Văn Sâm đến xem suất diễn hôm 18/9, chia sẻ: "Đã lâu rồi tôi mới ngồi gần 4 tiếng xem một vở kịch. Tôi rất thích vở diễn, đắm chìm, gần như không rời mắt khỏi sân khấu".

Diễn viên Gia Bảo cho hay: "Tôi là ông bầu, đạo diễn nên 'đô' khá mạnh, không dễ khóc, vậy mà rơi nước mắt 4 - 5 lần vì cái tình chan chứa của tất cả nhân vật. Tác phẩm chạm đến tôi bởi những chi tiết, câu thoại nhỏ nhất". 

Sân khấu nhỏ được khắc phục bằng xử lý cảnh trí thông minh.

Âm nhạc - những bài dân ca như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Bông bí vàng, Sa mưa dông, Giấc ngủ trên tay, Ngủ bên chân mẹ... là linh hồn của vở diễn.

Trừ Cẩm Ly là ca sĩ, các diễn viên đều nỗ lực thể hiện tròn phần hát live. Trong đó, diễn viên Tuấn Dũng gây ấn tượng với khả năng hát từ màu giọng đến cột hơi. 

Sân khấu tại Nhà Văn hóa Sinh viên (quận 3, TP.HCM) nhỏ, không gian nông được ê-kíp bù đắp bằng màn hình LED, thiết kế cảnh trí thông minh cùng xử lý ánh sáng đẹp, hiệu quả.  

Điểm trừ nhỏ của vở diễn là thời lượng khá dài - gần 4 tiếng, có thể khắc phục bằng việc lược bớt những cảnh không cần thiết. Ngoài ra, sân khấu mới còn thiếu thốn điều kiện vật chất, thỉnh thoảng gặp sự cố âm thanh.

Sau buổi công diễn, Sân khấu kịch Hồng Vân tiếp tục cho diễn 8 suất vở Bông cánh cò từ ngày 18 - 23/9. Theo bà bầu, lịch diễn tuần tiếp theo chưa thể ấn định do NSƯT Thanh Thủy phải trở về Sân khấu kịch Idecaf.