Thảo luận ở tổ về dự luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP hôm nay, nhiều ý kiến lo ngại về cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án PPP nếu không quy định chặt chẽ sẽ dễ bị lạm dụng.

Phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro

Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc xây dựng cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng là cần thiết, đáp ứng được sự mong đợi của các nhà đầu tư.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Xây dựng cả cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung ngay một số quy định mang tính nguyên tắc như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm.

Đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án, tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan.

Việc này nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Thanh cũng lưu ý, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo luật.

ĐB Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị băn khoăn về mức độ vốn của các bên tham gia như thế nào. Hình thức quy định mức hỗ trợ của nhà nước là bao nhiêu, có mức tối đa hay không.

“Có trường hợp sự tham gia của khu vực tư là quá ít nhưng giao cho vận hành. Như vậy, nếu xảy ra rủi ro lại để nhà nước phải gánh chịu”, ông băn khoăn.

Vì vậy, ĐB Thắng đề nghị nên thiết kế mức trần, mức hỗ trợ của nhà nước tới mức nào đó thôi, phần lớn là nhà đầu tư bỏ vào để gắn tránh nhiệm. 

Không thể mang USD vào, mang tiền đồng ra

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nêu thực tế vừa qua chỉ mới thu hút PPP nội địa mà chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án lớn.

{keywords}
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Nhà đầu tư dự án PPP lo bị san sẻ lưu lượng dẫn đến nguy cơ lỗ

Ông chỉ ra bất cập, lĩnh vực GTVT thường quy hoạch 5 năm điều chỉnh 1 lần nhưng một dự án PPP có thể kéo dài tới 15 - 20 năm. Vì vậy, nhà đầu tư lo trong thời gian đó, chúng ta có thể làm những con đường thứ 2, thứ 3, hoặc những con đường cắt ngang con đường họ làm thì bị san sẻ lưu lượng dẫn đến nguy cơ lỗ.

Tư lệnh ngành giao thông cho hay, khi tiếp xúc các nhà đầu tư ở Châu Âu hoặc một số nhà đầu tư lớn, họ đòi hỏi 3 việc.

Thứ nhất là bảo đảm doanh thu, chia sẻ rủi ro với họ.

Thứ hai, họ mang tiền về nước ta đầu tư là ngoại tệ. Con đường đầu tư 1 tỷ USD thì họ phải mang vào 1 tỷ USD để xây dựng. Xây dựng xong rồi thì họ phải thu hồi 1 tỷ USD này và cả tiền lãi. 

Do vậy, họ yêu cầu chúng ta phải bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ để họ mang về nước ngoài. “Không thể mang USD vào và mang tiền đồng ra”.

Thứ ba họ sợ trượt giá, tính tiền Việt có thể lãi, nhưng tính tiền USD thì lỗ.

Vì vậy, ông Thể cho rằng, dự luật có đề cập đến việc bảo lãnh doanh thu và chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, mức độ bao nhiêu %, như thế nào thì cần nghiên cứu thêm.

“Tôi tin rằng khi ban hành luật này thì sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào giao thông”,  Bộ trưởng GTVT nói.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thiết kế của luật lần này, nhà nước chỉ tham gia một phần nhỏ, chủ yếu là phần giải phóng mặt bằng và tách ra 1 dự án riêng chứ không lồng vào để dễ quản lý và giám sát.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Làm sao thiết kế luật thật bình đẳng, hấp dẫn, và đảm bảo an toà thì nhà đầu tư mới sẵn sàng bỏ tiền ra làm ăn

Liên quan đến quy định về chia sẻ rủi ro mà nhiều ĐB lo ngại, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, nếu nhà đầu tư lỗ thì nhà nước tham gia chia sẻ rủi ro, lãi thì DN chia sẻ lợi nhuận đó với nhà nước. Hai bên cùng bình đẳng với nhau.

Ông cũng nhìn nhận cần phải có thiết kế chặt chẽ để khi triển khai không bị vướng, không bị ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, phải có cơ chế bảo đảm của Chính phủ, trong đó có vấn đề bảo lãnh ngoại tệ và doanh thu như Bộ trưởng GTVT đã nêu.

“Nếu như đổi ra ngoại tệ, theo quy định ngân hàng, không đổi đủ số tiền người ta mang ra thì không ai dám chơi với mình cả. Mình phải đảm bảo, sau khi tiêu bằng tiền Việt, số còn lại phải chuyển đổi ngoại tệ cho người ta”, ông Dũng nhấn mạnh, nhà nước không thể chuyển toàn bộ rủi ro sang cho tư nhân.

Vì vậy phải làm sao thiết kế luật thật bình đẳng, hấp dẫn, và đảm bảo an toàn, ổn định, hành lang pháp lý thế nào đấy để người ta mới sẵn sàng yên tâm bỏ tiền ra làm ăn cho chúng ta.

Thu Hằng - Trần Thường

Thủ tướng: 'Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ'

Thủ tướng: 'Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ'

Thủ tướng dẫn lại nội dung câu nói: Một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế và khuyên “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!".