Phát biểu tại Đại học Ngoại thương chiều 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi mối quan hệ trao đổi giáo dục giữa hai nước là một hình mẫu có thể tiếp tục được củng cố mạnh mẽ hơn.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ kéo dài 10 phút trong khuôn khổ hội thảo kỷ niệm 20 năm chương trình học bổng Fulbright tại Việt Nam và vai trò của trao đổi giáo dục Mỹ - Việt đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

“Sẽ không phải là phóng đại khi nói rằng chương trình học bổng Fulbright đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong 20 năm qua, chương trình Fulbright Việt Nam đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia. Chương trình đã giúp đào tạo nhiều nhà lãnh đạo xuất chúng cho Việt Nam và như tôi biết thì chương trình vẫn đang tiếp tục nỗ lực đào tạo thêm nhiều hơn nữa”, bà nói.


Ngoại trưởng Mỹ nói chuyện tại Đại học Ngoại thương

Ngoại trưởng Mỹ nhắc tới những cựu sinh viên Fulbright Việt Nam nổi bật như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh… Nhưng bà đã làm toàn bộ khán phòng bất ngờ khi hỏi về một Fulbrighter chưa nhiều người biết. “Đỗ Minh Thùy có ở đây không?”, bà đột ngột hỏi và dành phần tiếp của bài phát biểu để khen ngợi nỗ lực của chị Thùy như một trường hợp điển hình chứng tỏ tầm ảnh hưởng của trao đổi giáo dục Mỹ - Việt.

“Đỗ Minh Thùy có học bổng Fulbright để học báo chí ở Indiana. Sau khi học xong, cô ấy nhận thấy rằng các nhà báo như mình ở Việt Nam xứng đáng tiếp cận với những kinh nghiệm và kỹ năng mà cô ấy học được ở Mỹ. Cô ấy cùng với những người bạn khác đã tạo ra một chương trình đào tạo và huấn luyện cho các nhà báo trẻ. Những hội thảo cô ấy tổ chức thu hút tới 2.300 bạn trẻ ở cả Hà Nội và TP HCM. Một học bổng cho một cá nhân giờ đây đã có hiệu ứng dây chuyền trong một lĩnh vực riêng biệt ra toàn xã hội”, Hillary Clinton nói. 

Hiện có hơn 15 000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ tin rằng thế hệ mới này sẽ ở một vị thế tốt để đóng góp to lớn vào tương lai Việt Nam. Theo bà, đó không chỉ vì nền giáo dục hay kỹ năng tốt họ nhận được ở Mỹ, mà còn bởi mối quan hệ và tầm nhìn họ sẽ mang về Việt Nam.

 Hillary Clinton kỳ vọng các sinh viên và học giả ấy chính là những nền tảng giúp tạo ra cơ hội mới, cách nghĩ mới, tinh thần kinh doanh mới và sáng tạo mới giúp cho những người Việt Nam khác hiện thực hóa giấc mơ. 

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định lại cam kết sẽ mở ra thêm nhiều cánh cửa nữa cho những người Việt Nam trẻ tuổi thông qua các chương trình trao đổi giáo dục giữa hai nước. Bà cho rằng thành công của Fulbright cũng như các chương trình trao đổi giáo dục khác do chính phủ Mỹ tài trợ là một hình mẫu có thể tiếp tục được cải thiện tốt hơn bởi hai quốc gia vẫn đang cùng phối hợp với nhau.

“Những thách thức thì mang tính toàn cầu nhưng cơ hội thì không. Có nhiều người Việt Nam dù thông minh và chăm chỉ có thể đã không nhận được những cơ hội như các bạn có được. Vì thế nghĩa vụ của chúng tôi là phải tiếp tục mở ra thêm nữa những cánh cửa cơ hội này. Đi qua cánh cửa có thể sẽ là những chàng trai, cô gái rồi sau này trở thành những nhà nghiên cứu phát minh ra cách thức chống lại bệnh hiểm nghèo, những doanh nhân làm ra những sản phẩm để Việt Nam xuất khẩu ra toàn thế giới. Nước Mỹ muốn làm hơn thế và sẽ làm hơn thế để tăng cường mối quan hệ trao đổi giáo dục giữa hai nước”, Ngoại trưởng Mỹ kết luận.

Minh Bình