Trong hai ngày 7-9/6 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp thường niên giữa hai tổ chức nhà nước của Việt Nam và Nhật Bản về năng lượng hạt nhân nguyên tử.
Tham gia cuộc họp này, về phía Nhật bản có đoàn đại biểu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA). Về phía Việt Nam có sự tham gia của đoàn đại biểu của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM).
Một góc của cuộc họp ở Viện Năng lượng nguyên tử VN (Ảnh từ VINATOM) |
Đây là cuộc họp thường niên diễn ra nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về chương trình hợp tác, phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Ông Trần Ngọc Toàn, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cảm ơn sự hỗ trợ của JAEA trong năm vừa qua và mong muốn duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ trong những năm tiếp theo.
Ông Yoshihiro Nakano, Trưởng cơ quan “Xúc tiến phát triển nguồn nhân lực hạt nhân”, đã trình bày về hiện trạng chung của các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản. Ông cho biết, trong khoảng thời gian đầu sau sự cố xẩy ra với nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đã tạm dừng hầu hết các nhà máy điện hạt nhân để kiểm tra, kiểm soát trước khi cho hoạt động trở lại. Riêng nhà máy Fukhushima cho dừng hẳn. Do đó, lượng tiêu thụ điện hạt nhân ở Nhật đã giảm về con số 0 vào năm 2014. Do thiếu điện nên giá điện tại Nhật Bản đã phải tăng cao.
Tuy nhiên, theo những thông tin được đưa ra ngày 6/6, hiện nay tại Nhật Bản đã có 5 nhà máy điện hạt nhân khởi động lại và cho phát điện. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này và cả đông đảo người dân sử dụng điện trong vùng. Theo ước tính, tới năm 2030, sản lượng điện hạt nhân tại Nhật Bản sẽ được tăng thêm so với trước và đạt mức mức khoảng 13,4 - 14,4% tổng sản lượng điện quốc gia.
Ông Nakano cũng đã có bài giới thiệu về Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản JAEA, chương trình Instructor Training Program và các mục tiêu hợp tác mà JAEA lẫn VINATOM cùng hướng tới. Hai bên đã có những câu hỏi và thảo luận liên quan tới vấn đề này.
Trong phần cuối của cuộc gặp gỡ Viêt - Nhật, những cuộc thảo luận chuyên môn đã diễn ra với nội dung phong phú và thành phần mở rộng, bao gồm sự tham gia của các cán bộ từng được tham dự các khóa đào tạo giảng viên (ITC) tại Nhật Bản trước đây.
T.M. (Theo thông tin từ Viện NLNTVN)