Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII có nêu "Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hình thức liên kết hợp tác, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn gắn với hợp tác xã và doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế trên thị trường”.

Xác định kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác đóng vai trò điểm tựa quan trọng đối với các địa bàn như Lai Châu, 20 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trong đó trọng tâm là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến hết tháng 8 năm 2023, toàn tỉnh có 416 HTX thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Vốn Điều lệ của các HTX là 1.056,714 tỷ đồng, bình quân của một HTX là 3,24 tỷ đồng. Các HTX đã tạo việc làm cho 6.940 người với thu nhập bình quân của lao động trong HTX là 52,6 triệu đồng/năm/người.

W-hoptacxa.png
Tính đến hết tháng 8 năm 2023, Lai Châu có 416 HTX thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với sự tuyên truyền, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh cùng sự nỗ lực của các HTX trong chuyển đổi số, tính đến thời điểm này đa số các HTX đã trang bị máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng và được kết nối mạng Internet. Trong đó, có 1,3% HTX, quỹ tín dụng áp dụng internet, phần mềm trong hệ thống quản lý điều hành, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh. 12,7% số HTX khai thác và sử dụng để giới thiệu, quảng bá và bán hàng trên website. 3% số HTX tham gia giới thiệu, bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại.

Để tạo môi trường thuận tiện cho KTTT phát triển, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh; 8/8 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tại địa phương. Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tỉnh chỉ đạo các ngành quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX. Số lao động được đào tạo trên 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập tăng lên. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cấp và cho HTX thuê đất để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng trụ sở làm việc.

Bên cạnh đó, Lai Châu đã tạo điều kiện cho 16 HTX được giao đất, thuê đất có thu tiền sử dụng đất với tổng diện tích đất giao là 1.769,3 ha, trong đó cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc, cửa hàng kinh doanh cho 3 HTX với diện tích là 2.595,5 m2. Đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ngành nghề truyền thống với tổng kinh phí là 8,7 tỷ đồng cho 6 HTX.

Nhằm tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh do Liên minh HTX tỉnh quản lý, đã thẩm định, giải ngân cho 170  lượt HTX với số tiền gần 50.000 triệu đồng. Vay vốn từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm 39 lượt HTX được vay với tổng số dư nợ hiện tại là 1.050 triệu đồng (theo nguồn của Liên minh HTX Việt Nam). Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực, chủ động cho 31 HTX vay vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh với doanh số 721.311 triệu đồng.

Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích thành lập mới HTX, đã hỗ trợ 1,8 tỷ đồng thành lập mới, tổ chức lại hoạt động cho 341 HTX, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động hiệu quả. Số lượng các tổ hợp tác (THT), HTX ngày một tăng, từng bước đa dạng ngành nghề, quy mô, trình độ sản xuất. 

Xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” tạo động lực cho các hợp tác xã (HTX) phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời tạo năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm trên thị trường.

Chất lượng các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của THT, HTX từng bước được nâng lên, tạo công ăn việc làm cho người lao động; tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân của lao động năm 2021 đạt 37,2 triệu đồng/năm, tăng 43,9 triệu đồng so với năm 2004; xuất hiện các mô hình HTX điển hình tiên tiến trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả   đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến nay số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 39 xã, 9 HTX nông nghiệp thuộc địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới sở hữu 19 sản phẩm OCOP góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng thu nhập cho thành viên.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ thương mại được quan tâm thực hiện; đến nay đã có 22 chương trình với 226 HTX của tỉnh đã tham gia các hội chợ tổ chức trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiệp cận, mở rộng thị trường, kinh phí hỗ trợ 1,3 tỷ đồng. Tạo điều kiện cho 150 doanh nghiệp và HTX tham gia triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo.... tạo việc làm, thu hút được 7.528 người lao động, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn đã thực sự phát huy khi được khuyến khích phát triển. Điển hình như: Mô hình HTX Trà Tân Tiến, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên đã liên kết với gần 200 hộ dân ở xã Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) trồng khoảng gần 300 ha chè. Người dân trồng, thu hoạch chè đảm bảo theo hướng hữu cơ. Sau đó được HTX Trà Tân Tiến bao tiêu đầu ra. Hàng năm, HTX thu mua trên 7.500 tấn chè tươi từ các hộ dân liên kết và thực hiện sản xuất, chế biến chè khô luôn tại nhà máy do HTX  đầu tư xây dựng. Mỗi năm, HTX bán ra hơn 1.000 tấn chè thành phẩm cho cả thị trường trong nước và quốc tế thu về gần 50 tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm HTX lãi hơn 3 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 40 công nhân, với mức lương đảm bảo từ 6-7 triệu đồng mỗi tháng.

Sau gần 15 năm hoạt động, với sự đoàn kết, đồng lòng của các xã viên, HTX Voòng Dính ở tổ dân phố Pa So (thị trấn Phong Thổ) trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong lĩnh vực kinh tế tập thể của huyện. Ông Voòng Cá Lành - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chia sẻ: Năm 2009, ông và 7 hộ dân có chung ý tưởng, kinh doanh góp vốn thành lập HTX chuyên trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, ươm và bán giống cây công - nông - lâm nghiệp. Trong quá trình hoạt động, ông và cộng sự nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan chuyên môn, chính quyền từ huyện đến thị trấn về cơ chế, chính sách, kết nối đầu ra; tập huấn nâng cao năng lực điều hành, quản lý… Từ năm 2022 đến nay, HTX bán hơn 10 vạn cây giống thu về gần 5 tỷ đồng; đang tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và từ 10-20 lao động thời vụ.

Với mục tiêu của HTX Trái Tim (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) là xây dựng bản Sin Suối Hồ thành bản nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. HTX đã phối hợp với Ban Quản lý bản vận động Nhân dân góp sức, hiến đất cùng với chính quyền địa phương cải tạo, xây dựng những con đường và cảnh quan thành điểm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, vận động người dân làm du lịch sinh thái kết hợp Homestay - du lịch xanh để phục vụ du khách. Từ đầu năm đến nay, bản đã đón trên 8.000 lượt khách đến tham quan với tổng doanh thu gần 1 tỷ đồng.

Bình Minh và nhóm PV, BTV