Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình (Đắk Lắk) thành lập năm 2013 với 10 sáng lập viên. Hiện tại HTX đã thu hút được 48 thành viên chính thức và 328 thành viên liên kết với 16 lao động thường xuyên và 350 lao động thời vụ, chia thành 12 tổ đội sản xuất, chế biến và dịch vụ. 

HTX tổ chức quản lý sản xuất, đáp ứng nhu cầu canh tác trên đồng ruộng qua các hợp đồng cung cấp dịch vụ trồng trọt. Có định hướng và đầu tư trong sản xuất cho thành viên và nông dân như: Vận động liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung cho từng loại giống cây trồng đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chủ yếu cho 2 cây trồng chính là cây mía và cây lúa; áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến vào thâm canh tăng năng suất; đầu tư cơ sở hạ tầng, trạm bơm, kênh mương, giao thông nội đồng; Lập nên các tổ đội cơ giới, tổ đội làm dịch vụ trồng trọt, phục vụ các công đoạn sản xuất trên đồng ruộng cho thành viên và nông dân.

anh 1.jpg
Cánh đồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP trước vụ gặt mới.

Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định, để phát triển kinh tế nông nghiệp mang tính ổn định và hiệu quả lâu dài cho người nông dân thì hướng đi tốt nhất là loại hình kinh tế HTX kiểu mới, là liên kết phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. 

HTX đã liên kết với các công ty mía đường trong tỉnh xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu. Hợp đồng liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm với trên 400 hộ thành viên và nông dân trong huyện tại các xã Cư Kty, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Lễ, Hòa Tân, Ea Trul, với tổng diện tích dao động theo hằng năm là 130-300 ha/năm. Nhờ đó, có những thời điểm khó khăn của ngành mía đường, nhưng với sự tổ chức quản lý tốt trong việc chuyển đổi giống mới, áp dụng cơ giới, cải tiến máy nông nghiệp, thâm canh tăng năng suất, giảm được phần nào chi phí sản xuất nên lợi nhuận của người trồng mía vẫn giữ dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/ha,

Đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm, HTX bắt đầu mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm RVT, ST24, OM49, Đài Thơm 8 từ niên vụ 2018-2019. Khi liên kết sản xuất, HTX luôn mạnh dạn tìm chọn, tiếp cận liên kết với các doanh nghiệp có quy mô và uy tín cao của ngành sản xuất lúa gạo như: Công ty TNHH MTV Cà phê 721, Công ty Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam…, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, chuyển giao quy trình, đầu tư sản xuất và thu mua lúa tươi tại đồng cho thành viên và nông dân. Nếu như năm 2018 với diện tích ban đầu là 50 ha, đến nay đã mở rộng vùng liên kết sản xuất lên trên 300 ha, ra các xã Cư Kty, Hòa lễ, Hòa Tân, Ea Trul, Yang Reh và xã Ea Uy của huyện Krông Păk.

Đặc biệt năm 2019 - 2020, HTX đã có được thành công nổi bật khi hợp đồng liên kết với doanh nghiệp Hồ Quang - Sóc Trăng, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại lúa gạo Ngọc Phú - Long An đưa giống lúa ST24, ST25 về sản xuất tại huyện Krông Bông. Nhiều hộ nhờ thâm canh tốt đã đạt doanh thu trên 90 triệu đồng/ha/vụ, tăng hơn so với trước đây từ 20-30 triệu đồng/ha/vụ. Vụ Hè thu 2021 vừa qua, giá lúa tươi ST đã vượt đỉnh, giao động 7.800-8.200 đồng/kg giúp nông dân thắng lớn khi đầu tư sản xuất giống lúa ST24, ST25.

Trong quá trình sản xuất, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi cách làm nông nghiệp mới, như xây dựng mô hình cánh đồng mẫu chung, xây dựng vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng công nghệ số cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, xây dựng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tham gia thị trường…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo lãnh đạo HTX, loại hình kinh tế HTX còn gặp khó khăn do nhận thức của người dân về HTX kiểu mới vẫn còn thấp, rất khó khăn trong việc vận động nông dân hưởng ứng tham gia vào HTX, tham gia cách làm mới trong việc lan tỏa nhận thức sản xuất tập trung, đồng bộ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế HTX của Nhà nước: Các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Do đó, trong thời gian tới, lãnh đạo HTX mong muốn nhà nước hỗ trợ HTX tiếp cận chính sách cho vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, đầu tư phương tiện máy móc công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để HTX mở rộng liên kết với nông dân, xây dựng các Tổ liên kết, Tổ hợp tác, Hợp tác xã tại mỗi địa phương; hỗ trợ tư vấn và tạo mối liên kết với các nhà doanh nghiệp, để sản phẩm nông nghiệp của người nông dân từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm và tiếp cận thị trường.

Hồng Phúc và nhóm PV, BTV