Hành trình thần tốc này khi vượt xa cả những vụ việc đúng quy trình nọ, chỉ tăng thêm sự hoài nghi về tính chính danh của không ít quan chức, tính chính danh của công tác tổ chức- cán bộ ở một số cơ sở làm ẩu.

Có lẽ trên báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội những ngày này “nóng” nhất là vụ việc, một nghiên cứu sinh ở tít tận bên Nhật Bản, bỗng trở thành “hot boy” bất đắc dĩ của dư luận. Có lẽ trong tiền lệ của công tác tổ chức cán bộ thời hiện đại này, đố tìm đâu ra hành trình của một nhân sự, mà dư luận đã phải chỉ mặt đặt tên- “thần tốc”, “siêu cán bộ”.

"Nợ tiêu chuẩn" và tính chính danh

Đó là vụ việc của ông Vũ Minh Hoàng, mới 26 tuổi, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ bổ nhiệm. Điều đáng nói, ông Hoàng được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng khi đang học tiến sĩ ở Nhật, trước đó, tập sự tại một phòng nghiên cứu của Ban này, và chưa điều hành thực tiễn ngày nào.

32 ngày sau lên chức Phó Vụ trưởng, ông này lại được ký quyết định chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ, trong lúc vẫn chưa hoàn thành khóa học ở Nhật Bản. Vì thế, ông còn có một biệt danh “Vụ phó 32 ngày”

Vụ việc đã dấy lên bao điều tiếng, hoài nghi xung quanh hành trình “thần tốc” tới chiếc ghế quyền lực của ông Vũ Minh Hoàng.

Bởi trong xã hội hiện nay, có biết bao nhiêu vụ việc khiến XH bất bình, nhất là việc  vụ ông cựu Chánh Thanh tra CP, trước khi hạ cánh đã sử dụng “chữ ký hoàng hôn” bổ nhiệm gấp 60 cán bộ làm quản lý các vụ, phòng. Noi gương xám của ông, còn có nhiều quan chức khác không muốn… kém tài.

{keywords}

Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Nguồn ảnh: VietNamNet

Có điều, việc điều tra của cơ quan chức năng về những vụ việc tai tiếng đó, cuối cùng, vụ nào cũng đúng quy trình cả. Thành thử dư luận cứ dư luận, đúng quytrình cứ… tiến.

Liệu những vụ việc đúng quy trình kiểu đó có khiến dư luận XH tâm phục, khẩu phục không?

Trả lời báo Đời sống & Pháp luật ngày 08/12/2014, PGS. TS Lê Bỉnh, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Khu vực 1 đã thẳng thắn:

Việc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt không đủ tiêu chuẩn cho thấy, thực tế hiện nay phát sinh khái niệm “nợ tiêu chuẩn”. Điều đó là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định bổ nhiệm cán bộ của Đảng ta. Theo đúng quy định, tiêu chí bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải rõ ràng, minh bạch, đúng tiêu chuẩn chứ không cán bộ nào được “nợ tiêu chuẩn”. Về nguyên tắc, khi không đạt tiêu chuẩn thì không bổ nhiệm. Việc cho “nợ tiêu chuẩn” là do cán bộ quan chức lạm dụng quyền lực, tự ý cho nợ để rồi lại nảy sinh tình trạng bổ sung tiêu chuẩn bằng việc chạy chọt, đút lót. Như vậy là do khâu tổ chức thực hiện sai chứ không phải chủ trương chính sách sai.

Nói theo cách nói của ông Lê Bỉnh, “nợ tiêu chuẩn” cũng có thể là một… cửa làm ăn chăng?

Nay thì chả cần đúng quy trình nữa, mà thần tốc, cho “nợ tiêu chuẩn” luôn!

Quá nhanh và cá biệt

Người viết tin rằng dư luận xã hội không định kiến gì với Vũ Minh Hoàng. Rất có thể Hoàng là người có thực lực. Nhưng hành trình của một nhân sự từ cán bộ tới quan chức theo quy định hiện hành, là một hành trình gian khó, không đơn giản, đòi hỏi không chỉ có năng lực thực tiễn, năng lực quản lý mà còn cả những tiêu chí theo quy chuẩn chung, như thâm niên công tác, lý luận chính trị, ngạch công chức…

Nếu cứ cho tất cả những quy chuẩn đó là hình thức đi, thì những năng lực gì ở Vũ Minh Hoàng có thể thuyết phục đồng nghiệp, ngoại trừ những bằng cấp và 05 ngoại ngữ, mà các quan chức có trách nhiệm muốn bênh vực đưa ra? Và giả dụ có một sự “đặc cách” thì Hội đồng xét tuyển nào có năng lực xét tuyển theo những quy định? Hay thực chất chỉ là một cách làm rất tùy tiện, cảm tính, vi phạm cả những nguyên tắc tổ chức.

Hãy nghe ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Cuối cùng tôi bàn với anh em, thôi cho Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế. Việc này, có lấy ý kiến văn phòng, trao đổi miệng với một số Đảng ủy và lãnh đạo Ban lúc đó chỉ có 04 người. Tuy nhiên, quy trình thủ tục có hơi cập rập (nld, ngày 09/12)

Chả lẽ chức vụ là thứ có thể xin- cho được bất chấp những nguyên tắc tổ chức, thưa ông Nguyễn Phong Quang?

Một số quan chức có trách nhiệm của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng thừa nhận vụ việc này “cá biệt”

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Có hay không chuyện bổ nhiệm như báo nói “thần tốc” thì tôi trả lời là có. Tôi chưa thấy trường hợp nào ở cơ quan này được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng mà nhanh như thế. Đây có lẽ là trường hợp rất cá biệt!

Còn ông Nguyễn Đoàn Kết, Thiếu tướng, Vụ trưởng Vụ An ninh Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Tôi thấy việc bổ nhiệm ông Hoàng là hy hữu, cá biệt, vì tôi ở cơ quan này 10 năm mà chưa thấy trường hợp nào như thế. Nhà báo nói nhanh thì chưa đúng mà là... quá nhanh!(Dân trí, ngày 09/12).

Thậm chí, theo báo CAND, ngày 08/12, một cán bộ hưu trí nguyên là lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng đây là việc bổ nhiệm “ma”. “Ma” là bởi anh này chưa hội đủ điều kiện theo quy định. Lạ lùng hơn là khi ông Hoàng được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, nhiều cán bộ chủ chốt tại Ban không hề biết. Việc ký bổ nhiệm cũng không hề thông qua tập thể lãnh đạo Ban.

Quá nhanh, thần tốc, cá biệt…. là những khái niệm được dành riêng cho vụ việc của “hot boy” Vũ Minh Hoàng.

Đáng chú ý, theo báo Tuổi trẻ, đây cũng là thời điểm trước khi ông Nguyễn Phong Quang - Phó trưởng ban Thường trực - về hưu. Ngoài Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm “thần tốc”, trong số 14 cán bộ cấp vụ và tương đương (chưa kể cấp phòng) được bổ nhiệm có đến 08 trường hợp, chiếm hơn 57%, không đúng theo quy định chung và quy chế làm việc do chính cơ quan này ban hành. Có tình trạng bổ nhiệm cán bộ cấp tập, sai nguyên tắc cơ bản trong quản lý, điều hành.

Đặc biệt mới đây, ông Trần Phi Hổ, nguyên Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng nhân lực trẻ đáng trân trọng nhưng bổ nhiệm phải đúng nguyên tắc. Theo ông, Vũ Minh Hoàng không phải là trường hợp đầu tiên được nhận vào làm việc và bổ nhiệm mà không thông qua lãnh đạo BCĐTNB. Trong thời gian làm phó ban,  ông thấy nguyên Phó ban Thường trực Nguyễn Phong Quang muốn nhận ai và cho ai nghỉ thì tùy, không thông qua tập thể lãnh đạo (Zing, ngày 11/12).

Cũng có những ý kiến phủ nhận những hoài nghi của XH khi cho rằng, Vũ Minh Hoàng không thuộc diện “CCCC” (con ôngcháu cha), nhưng với vị thế con trai một đại gia, lại ở một thời cuộc mà người ta sẵn sàng “hợp tác” win- win thì vụ việc bổ nhiệm thần tốc Vũ Minh Hoàng liệu có phải là… nước cờ thô thiển, bất chấp những quy định của nhà nước?

Nói theo cách nói của ông Lê Bỉnh, thì chả biết ai đang phải nợ ai?

Nhưng chắc chắn BCĐTNB nợ dân một câu trả lời- công khai, minh bạch. Được biết mới đây, lại thêm một vụ bổ nhiệm thần tốc Phó Vụ trưởng nữa của BCĐTNB.

Liệu nơi đây liệu có phải là đất “phát tài” cho các Phó Vụ trưởng?

Có điều, phát tài kiểu này, chắc chắn chỉ … kìm hãm sự lành mạnh, sự sòng phẳng và tính chính danh của công tác tổ chức cán bộ. Nhất là Chính phủ mới đang mong muốn trở thành CP kiến tạo và phục vụ. 

Kỳ Duyên