Thời gian trước tại một số tỉnh ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng thường với quy mô nhỏ. Diện tích sản xuất phân tán, manh múm, sản phẩm tạo ra không đủ lớn, chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế không cao, khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, khó xây dựng thương hiệu vì chưa tạo ra được nhiều sản phẩm mang tính hàng hóa lưu thông trên thị trường. Vì thế, giữa các hộ nông dân có nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau rất lớn.

Bàn về sản xuất lớn, PGS.TS Vũ Trọng Khải khẳng định, trước hết, phải đào tạo một tầng lớp nông dân có học, những “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp, thay thế cho “lão nông tri điền”, cha truyền con nối.

Chỉ có một lực lượng lao động trẻ được đào tạo, lành nghề thì mới thực hiện được tốt tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ cao. Cần phải có chính sách dạy nghề nông miễn phí cho con em nông dân với điều kiện học xong phải trở về làm nông dân.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai cần phải được sửa đổi theo hướng thừa nhận quyền tư hữu đất đai của nông dân, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất. Nếu không có tích tụ, tập trung ruộng đất, những người nông dân được đào tạo nghề sẽ không có đất dụng võ. Chẳng lẽ học xong trở về nhà vẫn chỉ quản lý 5 - 7 công đất? Họ cần được quản lý một diện tích sản xuất  đủ lớn để có lợi thế kinh tế theo quy mô.

Tích tụ, tập trung ruộng đất làm gia tăng quy mô sử dụng đất của mỗi trang trại để có lợi thế kinh tế theo quy mô. Tích tụ ruộng đất là cách trang trại dùng vốn của mình (vốn tích lũy hay vốn vay) để mua thêm ruộng đất.

Còn tập trung ruộng đất là vài trang trại sáp nhập tạo ra một trang trại lớn hơn bằng cách tự nguyện hay mua bán. Đó là cơ sở tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa phát triển bền vững và hiệu quả cao, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.

Phát triển cánh đồng lớn hiện nay ở một số địa phương không phải là tích tụ hay tập trung ruộng đất, mà thực chất chỉ là tập trung sản xuất, theo nguyên tắc “liền đồng, cùng trà giống, khác chủ”. Những chủ ruộng vẫn là những nông dân nhỏ nên rất không bền vững do khó quản lí trong việc thực hiện tiêu chuẩn kĩ thuật như VietGAP…, và các quy định khác của sản xuất theo hợp đồng.

Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề rất nan giải là biến đổi khí hậu. Do đó, phải đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, nhất là nhân lực khoa học để có được những chuyên gia đầu ngành, nghiên cứu tìm ra những giống và công nghệ mới vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

canhdonglon.png
Ảnh minh hoạ

Lâu nay, chúng ta nói nhiều về chuỗi giá trị nông sản, nhưng không ai nói rõ trong chuỗi ấy, vai trò từng chủ thể tham gia là như thế nào. Do đó, cần phải làm rõ nội dung này.

Trong mỗi một chuỗi giá trị nông sản, 2 chủ thể quan trọng nhất là doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản và nông dân với các trang trại của họ.

Nông dân là chủ thể quan trọng trước tiên trong chuỗi giá trị nông sản. Nông dân ở đây phải là nông dân được đào tạo, làm chủ các trang trại gia đình lớn nhờ tích tụ, tập trung ruộng đất, qua đó mới tạo ra vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa để cung cấp nông sản nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng cho doanh nghiệp chế biến.

Chủ thể quan trọng thứ 2 là doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ cao ngay lập tức vì có thể đầu tư mua được ngay. Doanh nghệp phải đóng vai trò nhạc trưởng của chuỗi liên kết, thể hiện qua việc cung ứng đầu vào cho nông dân, đặc biệt là giống. Vì chỉ có doanh nghiệp mới biết giống nào phù hợp với công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ.

Một điều nữa hết sức quan trọng là doanh nghiệp phải làm khuyến nông để buộc nông dân sản xuất theo đúng quy trình, nhằm đạt được số lượng và chất lượng phù hợp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Trong chuỗi giá trị nông sản, thế mạnh của doanh nghiệp là giải quyết được những vấn đề mà nông dân không thể giải quyết: thị trường tiêu thụ và thương hiệu, công nghệ và vốn. Về vốn, doanh nghiệp không phải cung cấp vốn cho nông dân giống như ngân hàng, mà là ứng trước vốn thông qua việc cung cấp giống, vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật…

Điểm yếu của doanh nghiệp là không bao giờ trực tiếp thực hiện tốt các khâu sản xuất mang tính sinh học, mà chỉ có trang trại gia đình mới làm được điều này. Ngay cả ở Mỹ và các nước phát triển khác, trang trại gia đình luôn là lực lượng sản xuất nông sản chủ yếu, chứ không phải doanh nghiệp.

Lý do rất đơn giản, như câu mà các cụ đã đúc kết “Nhất thì, nhì thục”. Thì là đúng lúc, thục là đúng cách. Làm nông nghiệp mà sai cách, lỡ thì chắc chắn thất bại, dù có phân bón nhiều, giống tốt.

Ai làm được “Nhất thì, nhì thục”? Đó phải là những người mà lợi ích của họ gắn với sản phẩm cuối cùng của toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp. Như vậy, chỉ có trang trại gia đình và trang trại cá nhân không có cấp quản lý trung gian mới thực hiện được “Nhất thì nhì thục”.

Tuy nhiên, nông dân, nhất là những nông dân lớn, cần phải được tập hợp vào các hợp tác xã (HTX). Bởi doanh nghiệp không thể cứ tiếp tục ký hợp đồng với từng trang trại, mà phải ký với một đầu mối là HTX. Các HTX nông nghiệp đích thực trước hết phải do những nông dân "lớn" sáng lập và quản lý, nông dân "nhỏ" cùng được hưởng lợi từ các HTX này.

Chỉ có những nông dân "lớn" mới có nhu cầu và khả năng liên kết tạo thành những HTX, chứ không phải những hộ nông dân nhỏ lẻ. Hơn nữa, chỉ có họ mới có đủ năng lực quản lý HTX, áp dụng công nghệ cao, đạt hiệu quả lớn, tiến tới đủ năng lực cạnh tranh với doang nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân.

Trong mối liên kết 4 nhà, chính hợp tác xã là nơi gặp gỡ và tổ chức ký kết hợp đồng giữa nông dân và các doanh nghiệp đầu tư ứng trước về vốn; vật tư; các hoạt động hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về chuyển giao công nghệ… cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Bởi một trong những vai trò của hợp tác xã  là sự tương trợ, nó thể hiện rất rõ trong thực tế sản xuất, từ các khâu đầu vào như mua hạt giống, phân bón, áp dụng kỹ thuật, sử dụng máy móc… đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Nếu mua chung cùng một mặt hàng với số lượng lớn sẽ giảm được giá thành, chí phí vận chuyển.

Thực tế cho thấy, muốn xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra thành thị để chiếm lĩnh thị trường, thì các hộ cá thể phải kết hợp với nhau thành một tổ chức có pháp nhân. Khi đó, sản xuất nông nghiệp mới tạo ra hiệu quả kinh tế, có hiệu quả kinh tế, có chiến lược cạnh tranh, nâng cao vị thế kinh tế, vị thế xã hội; qua đó sẽ ổn định kinh tế gia đình.  

Ở một góc độ khác, hợp tác xã cũng là đơn vị triển khai áp dụng và tổ chức thực hiện một số chính sách của nhà nước trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nói riêng.

CTV, Hồng Hạnh, và nhóm PV, BTV