Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, đáp lại những cáo buộc của Huawei, Verizon gọi các vụ kiện trên là “không có gì khác hơn một chiêu trò quảng cáo và một cuộc đánh lén vào công ty của chúng tôi và toàn bộ hệ sinh thái công nghệ. Mục tiêu thực sự của Huawei không phải là Verizon mà là bất kỳ quốc gia hoặc công ty nào gây trở ngại cho họ. Đây là một hành động thiếu đạo đức trong kinh doanh và chúng tôi mong muốn tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ”.

Trong một tuyên bố, Huawei cho biết động thái này có mục đích “đơn giản là yêu cầu Verizon tôn trọng khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Huawei bằng cách trả tiền cho việc sử dụng bằng sáng chế mà họ tạo ra hoặc không được sử dụng chúng trong các sản phẩm và dịch vụ của họ”.

Trước đó, Huawei và Verizon đã tổ chức 6 cuộc họp trực tiếp về vấn đề này kể từ tháng 2/2019. Huawei cho biết họ gặp Verizon tại New York vào ngày 21/1 nhưng không mang lại kết quả nào đáng kể và không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Huawei cho biết thêm, Verizon đang sử dụng các công nghệ và dịch vụ đã được cấp bằng sáng chế của Huawei mà chưa được phép như Bộ định tuyến dịch vụ tích hợp của Cisco, Bộ định tuyến dịch vụ tổng hợp, Hệ thống hội tụ mạng, Chuyển mạch Nexus, Chuyển mạch Catalyst và Bộ định tuyến dịch vụ đám mây nhằm hỗ trợ truyền thông trong toàn bộ mạng lưới của Verizon.

Theo Reuters, vào tháng 6/2019, Huawei thông báo với Verizon rằng Verizon nên trả phí cấp phép cho việc sử dụng hơn 230 bằng sáng chế của Huawei với số tiền hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại Huawei quyết định chỉ đưa ra kiện đối với 12 bằng sáng chế vì nó có bằng chứng rõ ràng nhất.

Trong một diễn biến khác, vào tháng 12/2019, Huawei đã kiện Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) sau khi Ủy ban này tuyên bố Huawei là mối đe dọa an ninh và cấm không cho tham gia vào chương trình trợ cấp của chính phủ.

Kể từ năm 2015, Huawei đã nhận được hơn 1,4 tỷ USD tiền sử dụng bằng sáng chế từ các đối tác. Dù vậy, công ty cũng phải trả hơn 6 tỷ USD để sử dụng bằng sáng chế của các công ty khác.