Thừa Thiên Huế là tỉnh thường xuyên gánh chịu hậu quả của thiên tai. Riêng năm 2022, Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của 03 cơn bão. Lũ lụt ở Thừa Thiên Huế ở mức cao hơn, có 7 đợt lũ từ báo động 1 đến mức trên báo động 3, có đợt kéo dài đến 11 ngày.

Thiên tai cướp đi mạng sống của 7 người, bị thương 17 người, nhiều công trình thủy lợi, đê điều, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp an toàn tính mạng, sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại của người dân. Thiệt hại do thiên tai toàn tỉnh lên tới hơn 4 nghìn tỷ đồng. 

Phòng chống thiên tai luôn là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh đã ứng dụng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho người dân đã mạng lại hiệu quả khích lệ. 

Tháng 11/2023, đợt mưa lớn tại Thừa Thiên Huế khiến các địa phương trong tỉnh ngập sâu trong nước. Mỗi ngày, tổng đài 19001075 tiếp nhận hàng trăm thông tin của người dân trên địa bàn đề nghị hỗ trợ sơ tán, nhiều người già, trẻ nhỏ cần can thiệp y tế khẩn cấp.

Khi nhận được thông tin từ người dân, cơ quan chức năng tại địa phương phối hợp với lực lượng ứng cứu nhanh chóng tiếp cận với người dân hỗ trợ họ. 

Đặc biệt, trong thời gian này, ứng dụng Hue – S đã đồng hành cùng chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và người dân. Các thông tin cảnh báo mưa lũ, tình hình ngập nước tại địa phương đã nhanh chóng được đưa lên ứng dụng Hue – S.

Người dân chỉ cần cài ứng dụng có thể nhận được thông tin, ứng phó với mưa lũ, bản đồ ngập lụt, mực nước tại các sông, bản tin cảnh báo bão lụt, hệ thống trực tuyến kết nối với các camera tại các vị trí ngập lụt, cảnh báo người dân.

Các thông tin từ Hue – S giúp người dân chủ động sơ tán tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, chuẩn bị thức ăn, nước uống.

Hue – S được tích hợp và vận hành từ năm 2020 cùng với Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh (Trung tâm IOC Huế).

Hình ảnh 100 camera giúp quan sát được các vị trí xung yếu, thấp trũng trên địa bàn tỉnh như Đập đá, hai bờ sông Hương…cũng được chuyển về trên Văn phòng của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh phục vụ cho công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai. 

Đến nay đã trở thành ứng dụng không thể thiếu của người dân trong việc nắm thông tin về thiên tai. Ứng dụng đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong công tác thiên tai cung cấp thông tin chính thống từ chính quyền tới người dân. 

Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, Hue – S đã mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền và cộng đồng người dân.

Ban phối hợp Trung tâm IOC Huế triển khai app mực nước của các hồ chứa, hồ thủy điện, sông Hương, sông Bồ trên địa bàn tỉnh để thông tin nhanh nhất tới cộng đồng và có thông tin điều hành phòng chống thiên tai khẩn cấp.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định đảm bảo thông tin thông suốt là giải pháp quan trọng giảm thiểu hậu quả của thiên tai. Vì vậy, UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống thiên tai.

Viễn thông Thừa Thiên Huế triển khai hệ thống thông tin liên lạc bằng 2 điện thoại vệ tinh, hệ thống vô tuyến sóng ngắn CODAN công suất 100 WW, hệ thống vô tuyến sóng cực ngắn Kenwwood có thể liên lạc cự ly 30km đến 50km.

Ngoài ra, đã bố trí máy bộ đàm Kenwood cầm tay, máy liên lạc vệ tinh cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các hồ thuỷ điện đã trang bị điện thoại vệ tinh. 

Hệ thống thông tin liên lạc gồm: 01 Trạm điều phối trung tâm đặt tại Trung tâm Phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế (DMCC), bao gồm 02 cột ăng ten thép tam giác tự đứng cao 33m và các thiết bị cho các hệ thống thông tin liên lạc, 6 trạm vệ tinh cố định được lắp đặt tại khuôn viên UBND các huyện.

Sử dụng hệ thống nhắn tin SMS để nhắn tin điều hành, cảnh báo, dự báo thiên tai, thường xuyên cập tình hình diễn biến thiên tai, công tác vận hành hồ chứa nước qua Website, mạng xã hội facebook, Zalo,... để các cơ quan, người dân biết để chủ động phòng tránh. 

Thừa Thiên Huế đã sử dụng hệ thống thông tin Dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” phục vụ công tác phòng chống thiên tai. 

Hiện nay ở Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh đã tích hợp cơ sở dữ liệu bản đồ phòng chống thiên tai, thuỷ lợi vào cơ sở dữ liệu GIS Huế.

Trang bị máy bay không người lái, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, máy định vụ GPS, DGPS, máy thuỷ bình, máy đo gió, máy đo sâu hồi âm, máy tính xách tay, máy tính để bàn, laptop.  

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ, bão và ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, triển khai ứng phó với thiên tai.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV