Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất là hơn 4.442 MW.
Nếu tính cả các nhà máy điện gió, tổng quy mô công suất đặt nguồn điện năng lượng tái tạo toàn quốc là 4.880 MW, trong đó tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đến thời điểm này, Ninh Thuận đã có 18 dự án chính thức đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 1.180 MW; trong đó có 15 dự án điện mặt trời, công suất 1.063 MW và 3 dự án điện gió, công suất 117 MW.
Điện mặt trời bùng nổ khiến đường dây truyền tải ở Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải. Ảnh: Lương Bằng |
Đây cũng là hai địa phương xảy ra tình trạng quá tải hệ thống truyền tải, dẫn đến việc nhiều nhà máy điện mặt trời sản xuất điện ra không bán được hết, gây lãng phí lớn.
Vì thế, việc cải thiện hệ thống lưới điện truyền tải khu vực này là nhiệm vụ không thể chậm trễ.
Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), bước đầu đơn vị này đã đầu tư nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm từ 250 MVA lên 500 MVA.
Dự án nâng công suất này khởi công tháng 9/2019, với khối lượng thực hiện là thay thế hai máy biến áp 220/110/22 kV - 125 MVA hiện hữu bằng hai máy biến áp 220/110/22 kV - 250 MVA; hoàn thiện hệ thống điều khiển, bảo vệ phù hợp với máy biến áp thay mới...
Ông Đạo Văn Rớt, Phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, cho biết: Việc đầu tư nâng công suất thay thế 2 máy biến áp kể trên sẽ giúp giải tỏa được khoảng 500 MW công suất điện năng lượng tái tạo hiện nay của tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài việc đã đóng điện nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm, hiện nay EVNNPT cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án Trạm biến áp 220 kV Phan Rí.
Dự án này có quy mô lắp đặt hai máy biến áp 220kV - 250MVA, các ngăn lộ và thiết bị phù hợp.
Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Tổng giám đốc EVNNPT, cho rằng: Hoàn thành đóng điện TBA 220 kV Phan Rí và đấu nối là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách của EVN và EVNNPT. Chậm nhất đến 30/12/2019 phải đóng điện dự án này để sớm giải tỏa nguồn công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo.
Lương Bằng