Việc livestream bán hàng hay bán hàng trên các trang mạng xã hội đã trở thành việc làm không thể thiếu với gia đình anh Tuấn Anh nói riêng và các thành viên trong HTX hoa, cây cảnh xã Xuân Quan, huyện Văn Giang nói chung trong những năm trở lại đây. Từ khi thực hiện các giao dịch điện tử, các thành viên trong HTX đã thực hiện các giao dịch mua bán được thuận tiện hơn. Anh Tuấn Anh chia sẻ, qua các phương tiện mạng xã hội thì khách hàng có thể đặt hàng được luôn. Với cách làm này sẽ tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên, nhất là những tháng gần tết này.
Anh Tuấn Anh cũng cho biết, hiện doanh số bán hàng qua mạng xã hội chiếm khoảng 40 đến 50% doanh thu của cửa hàng của gia đình anh.
Tương tự, HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang hiện có 24 thành viên với diện tích gần 50ha chuyên trồng các loại trái cây như cam, bưởi, ổi, hồng xiêm và 1 số loại rau củ theo mùa. Được thành lập từ năm 2017, đến nay HTX đã tham gia hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Hưng Yên cho các sản phẩm rau củ quả của HTX. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch thông tin về quy trình sản xuất, hạn sử dụng, từ đó khách hàng có thể yên tâm về sản phẩm. Nhờ vậy mà việc tiêu thụ các sản phẩm của HTX đã trở nên dễ dàng hơn.
Bà Lý Thị Hà, Giám đốc HTX rau củ quả an toàn Văn Giang cho biết: Trước đây, các thành viên trong HTX chỉ có thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện nay thu nhập của các xã viên đã lên tới 6 triệu đến 7 triệu đồng/tháng nhờ HTX áp dụng chuyển đổi số.
Là một trong những HTX đầu tiên của thành phố đưa quả nhãn lên bán trên các sàn thương mại điện tử, ông Vũ Quang Điện, Giám đốc HTX nhãn lồng Tiên Châu Phố Hiến ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam cho biết: Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2020 HTX đã ký hợp đồng với các sàn thương mại điện tử Post mart và Vỏ Sò để quảng cáo sản phẩm nhãn của các hội viên HTX, nhờ vậy đã tiêu thụ được trên 100 tấn nhãn. Năm 2022, HTX tiếp tục tiêu thụ trên 70 tấn nhãn thông qua các sàn thương mại điện tử, Viettel Post và Shopee với giá bán dao động từ 22 - 23 nghìn đồng/kg.
Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có 480 HTX và 431 tổ hợp tác đang hoạt động, thu hút trên 72.000 thành viên tham gia, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các HTX nông nghiệp. Nhờ áp dụng công nghệ số, các HTX đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, liên kết tìm kiếm thị trường, mở rộng quy mô nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó nhiều sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương phát triển theo hướng hàng hóa.
Đạt được một số kết quả như vậy nhưng việc chuyển đổi số tại các HTX trên địa bàn tỉnh Hưng Yên diễn ra còn chậm, thiếu tính chiến lược. Ông Nguyễn Trọng Phụng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên cho biết: "Nhiều HTX hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng chuyển đổi số. Nguyên nhân là năng lực của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp rất yếu, không có kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này. Thêm nữa là trình độ quản lý điều hành cũng như chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ trong các HTX cũng còn kém nên việc sử dụng công nghệ mới, sử dụng thiết bị liên quan đến chuyển đổi số đối với đội ngũ cán bộ này rất hạn chế”.
Cũng theo ông Phụng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các thành viên trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm... Đây cũng là cơ hội để người nông dân cũng như các HTX tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại. Từ đó ra tạo những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vị thế, chất lượng nông sản địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế.