Đối với mỗi gia đình người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết là vô cùng quan trọng vì nó thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Và bên cạnh ý nghĩa tâm linh, mâm ngũ quả hiện nay còn mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân trong gia đình.
Mâm ngũ quả là mâm trái cây có năm thứ quả khác nhau thường được bày trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt, trên bàn thờ gia tiên hoặc trên bàn tiếp khách. Mâm bày lên sẽ thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của các loại trái cây.
Với các thế hệ trẻ thời @ hiện nay, Internet cũng là một nguồn thích hợp để tìm hiểu về các phong tục cổ truyền như cách bày mâm ngũ quả ngày Tết sao cho đẹp và mang đầy đủ ý nghĩa. Dưới đây sẽ là phần tổng hợp lại cách bày mâm ngũ quả của người 3 miền Bắc, Trung, Nam để chúng ta tham khảo.
Hướng dẫn bày mâm ngũ quả đẹp ngày Tết của 3 miền Bắc Trung Nam
Đối với mỗi gia đình người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết là vô cùng quan trọng vì nó thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Và bên cạnh ý nghĩa tâm linh, mâm ngũ quả hiện nay còn mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân trong gia đình (ảnh trên mạng). |
Mâm ngũ quả ngày Tết thường có 5 loại màu sắc theo thuyết ngũ hành gồm có Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng) với mong ước được hưởng ngũ phúc.
Tất nhiên tùy vào các từng miền khác nhau thì mỗi gia đình có cách xếp mâm ngũ quả khác nhau, lựa chọn những loại quả khác nhau để bày lên mâm ngũ quả, ý nghĩa phù hợp với phong tục của mỗi vùng miền.
Mâm ngũ quả miền Bắc thường bao gồm có: chuối, dưa hấu (màu xanh); bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng); hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ); đào hoặc lê (màu trắng); mận hoặc nho (màu đen).
Trong mâm ngũ quả miền Bắc, chuối thể hiện sự che chở của trời đất thiên nhiên cho con người và mong gia đình luôn sum vầy, đầm ấm, quây quần bên nhau; cam, quýt, quất, hồng thể hiện sự may mắn, quả lê, đào tượng trưng cho sự thăng tiến, thành đạt.
Trong khi đó miền Nam thường bày mâm ngũ quả ngày Tết có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, theo cách phát âm trong Nam đọc thành... "cầu vừa đủ xài sung" hay "cầu sung vừa đủ xài" với mong ước cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc, an bình.
Trái lại người miền Nam thường kiêng một số loại trái không bày trên mâm cúng do tên gọi của chúng, ví dụ như chuối đọc gần giống "chúi" làm ăn không lên được; táo đọc là bom khiến đổ bể, làm ăn thất bại; hoặc lê hiểu thành... lê lết, cam hiểu thành cam chịu.
Miền Trung thì lại thường có cách trình bày mâm ngũ quả ngày Tết đơn giản, bình dị, không kiêng kị như người miền Nam và cũng không câu nệ ngũ hành như người miền Bắc, qua đó cũng thể hiện phần nào tính cách chân chất của họ. Mâm ngũ quả trên bàn thờ chỉ cần tươi ngon, đẹp mắt thể hiện lòng thành của con cháu dâng lên tổ tiên.