Là 1 trong 4 địa phương được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới thông minh.

Ngay sau khi được UBND tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số, xã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược và đột phá, cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân vào cuộc.

Trạm y tế xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số, hoạch định kế hoạch, thời gian hoàn thành các hạng mục trong chương trình, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, ban hành quy chế, tổ chức hoạt động; đồng thời, thành lập 14 tổ công nghệ số cộng đồng do trưởng thôn làm tổ trưởng.

Theo đó, các tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ tuyên truyền, cập nhật thông tin và hướng dẫn người dân thực hiện chương trình chuyển đổi số; vận động người dân tham gia nhóm Zalo chuyển đổi số để cập nhật các thông tin của tỉnh và địa phương về chuyển đổi số.

Về hệ thống truyền thanh, xã đã lắp đặt hệ thống đài truyền thanh thông minh tại tất cả các thôn, phát các nội dung thông qua lập trình điều khiển trên máy tính, điện thoại thông minh về các chính sách mới, tin tức thời sự và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thành nâng cấp hạ tầng mạng, xây dựng hệ thống giao tiếp với người dân thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại; khảo sát hệ thống máy tính, địa điểm lắp đặt camera an ninh phục vụ chuyển đổi số.

Hiện nay, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của xã được giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2022, toàn xã có hơn 1.400 hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 3, mức độ 4, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước đó, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử. Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. 70% cấp huyện, cấp xã có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực có ứng dụng công nghệ số. Phấn đấu xây dựng ít nhất 1 mô hình xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất.

Văn Quý, và nhóm PV, BTV