Nuôi cấy mô tế bào thực vật là quá trình tách rời một bộ phận của thực vật, nuôi trong môi trường dinh dưỡng phù hợp, ở điều kiện vô trùng 100%, sau đó mô tế bào ban đầu sẽ phát triển thành cây hoàn thiện.

Với quy trình nói trên, cây có khả năng phòng tránh sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh do vi rút gây ra, tạo nguồn cây giống đảm bảo sạch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cây giống được tạo ra với số lượng lớn, đồng đều, có giá trị kinh tế cao và đáp ứng nguồn giống quanh năm.

Thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Ðiểm nhấn là sản xuất thành công nhiều giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Riêng năm 2024, trung tâm đã sản xuất các loại chuối, keo lai, keo lá tràm, lan dược liệu... bằng phương pháp nuôi cấy mô 24 ngàn bịch, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ðây là khâu then chốt để phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận với các mô hình nông nghiệp sản xuất hiện đại, hiệu quả.

Nhân viên trung tâm theo dõi xuyên suốt quá trình phát triển của cây, kịp thời loại bỏ những mẫu bệnh, tránh lây lan diện rộng.

Công đoạn khử trùng, làm sạch mô trước khi đưa vào môi trường nuôi cấy.

Keo lai non được tách riêng và chuyển sang môi trường tạo rễ để trở thành một cây giống hoàn chỉnh.

Quy trình nuôi cấy được thực hiện trong môi trường vô trùng, với đầy đủ dinh dưỡng và điều kiện lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của mô thực vật.

Chuối Philippines nuôi cấy mô được trồng thử nghiệm hiệu quả tại trung tâm.

Theo Mộng Thường (Báo Cà Mau)